Liệt nửa người vì "căn bệnh tử thần thời 4.0", mỗi năm có 200.000 ca mắc

Thứ 4, 19.07.2023 | 09:01:13
280 lượt xem

Bác sĩ cảnh báo, "căn bệnh tử thần thời đại 4.0" này có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và bất kỳ độ tuổi nào. Hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì được xếp vào một trong 2 nhóm nguy cơ chính gây bệnh.

Ngày 18/7, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vừa qua nơi này đã tiếp nhận điều trị cho ông T.D.A. (69 tuổi, ngụ TPHCM).

Liệt nửa người vì "căn bệnh tử thần thời đại 4.0"

Ông A. nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người. Tại khoa Cấp cứu, qua thăm khám, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đột quỵ tắc nghẽn mạch máu não, nên chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh.

Sau khi dùng thuốc, sức cơ tay, chân của ông A. hồi phục được một phần. Tiếp đó, người bệnh được tiến hành can thiệp lấy huyết khối cơ học, tái thông mạch máu não. Sau can thiệp, sức cơ của ông A. có dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Sau đó, người bệnh được theo dõi và chăm sóc tiếp tại Đơn vị Đột quỵ.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ của bệnh viện cho biết, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể.

Khi xảy ra đột quỵ, phần não bị hư hại không thể đảm nhận chức năng ban đầu, nên dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù hoàn toàn, mất ngôn ngữ, hôn mê...

Liệt nửa người vì căn bệnh tử thần thời 4.0, mỗi năm có 200.000 ca mắc - 1

Một bệnh nhân điều trị tại Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (Ảnh: BV).

Bác sĩ Thắng chia sẻ, đột quỵ được đánh giá là "căn bệnh tử thần thời đại 4.0" vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng có nguy cơ tiềm ẩn khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

Cụ thể, có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Đó là nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ...) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gen di truyền). Trong đó, rung nhĩ là yếu tố nguy cơ quan trọng, có thể làm tăng khả năng đột quỵ lên gấp 5 lần.

Cũng theo bác sĩ Thắng, để phát hiện một người rơi vào tình trạng đột quỵ, chúng ta có thể nhận biết và xử trí qua các dấu hiệu được viết tắt trong từ FAST.

Thứ nhất, người bệnh có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi cười, nhe răng (F - Face). Thứ hai, người bệnh có dấu hiệu yếu liệt tay chân (A - Arm). Thứ ba, người bệnh có ngôn ngữ bất thường, nói khó, nói đớ hoặc câm lặng (S - Speech).

Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng trên một cách đột ngột, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa người bệnh đến nơi điều trị đột quỵ gần nhất (T - Time). Cần ghi nhớ chính xác thời điểm khởi phát triệu chứng để thông báo cho nhân viên y tế nhằm tranh thủ tối đa thời gian vàng điều trị.

Bí quyết để phòng tránh đột quỵ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Thần kinh cho biết, với sự phát triển của y học hiện đại, đột quỵ không còn là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ" như trước đây.

Để phòng tránh đột quỵ, người dân có thể bắt đầu từ việc chặn đứng các yếu tố nguy cơ gây bệnh, thông qua các chương trình tầm soát tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, rung nhĩ hoặc các bệnh lý tim mạch khác.

Việc tầm soát sớm cùng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mạch máu, kết hợp bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý mạch máu não.

Liệt nửa người vì căn bệnh tử thần thời 4.0, mỗi năm có 200.000 ca mắc - 2

Với sự phát triển của y học hiện đại, đột quỵ không còn là căn bệnh "trời kêu ai nấy dạ" (Ảnh: BV).

Với những người bệnh đã đột quỵ và được cấp cứu thành công trước đó cũng không nên chủ quan mà cần lưu ý khả năng tái phát đột quỵ trong tương lai. Phòng ngừa tái phát đột quỵ là mục tiêu hàng đầu cần được quan tâm, bởi những cơn đột quỵ xuất hiện sau này thường để lại hậu quả nặng nề hơn.

Để phòng ngừa tái phát đột quỵ, người bệnh cần tăng cường vận động, giảm cân chống béo phì, không ăn nhiều mỡ béo, chất ngọt, đường, bột, muối mặn, ăn nhiều rau củ, trái cây, điều trị bệnh nền...

Ngoài những yếu tố này, bệnh nhân cần kiểm soát 3 nhóm nguyên nhân lớn gây đột quỵ là xơ vữa động mạch, rung nhĩ, bệnh lý mạch máu nhỏ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, trong thời điểm mùa hè, người dân cần giữ cho cơ thể tránh rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đồng thời, phải uống đủ nước mỗi ngày để phòng tránh việc mất nước - nguy cơ gây đột quỵ thông qua cơ chế giảm lưu lượng đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có sẵn bệnh nền.


Hoàng Lê/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/liet-nua-nguoi-vi-can-benh-tu-than-thoi-40-moi-nam-co-200000-ca-mac-20230718021421720.htm

  • Từ khóa