Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần giải pháp gỡ khó về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tại các trung tâm GDNN-GDTX

Thứ 6, 21.04.2023 | 14:42:30
1,020 lượt xem

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) tích cực triển khai. Trong năm 2022, các trung tâm GDNN-GDTX đã đào tạo được 182 lớp với 6.373 LĐNT, đạt chỉ tiêu, kế hoạch năm đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên dạy nghề, cần có giải pháp tháo gỡ.

Tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề

Hiện nay, toàn tỉnh có 9 trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện với 31 giáo viên nghề, đa số các trung tâm chỉ có từ 1 đến 3 giáo viên, cơ bản đều thiếu giáo viên tham gia giảng dạy các nghề; trong đó, 2 đơn vị không có giáo viên nghề gồm: Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cao Lộc và Trung tâm GDNN – GDTX huyện Tràng Định. Mặc dù năm 2022, chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT thực hiện đạt kế hoạch đề ra nhưng việc thiếu giáo viên nghề gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyên môn của các đơn vị.

Học viên thực hành kỹ thuật ghép cây tại lớp kỹ thuật trồng cây ăn quả tổ chức tại thôn Đon Chang, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng (tháng 8 – tháng 10/2022)

Bà Nguyễn Thuý Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, đội ngũ giáo viên dạy nghề của trung tâm chưa có, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, trung tâm phải phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, hợp đồng giáo viên thỉnh giảng tại tỉnh và các trường ngoài tỉnh.

Cùng đó, một số địa phương được bố trí giáo viên dạy nghề, nhưng nghề đó lại không phải nhu cầu chính của người dân. Đơn cử như tại Trung tâm GDNN-DGTX huyện Lộc Bình, hiện nay trung tâm có 3 giáo viên dạy nghề ở các môn: tin học, chăn nuôi, điện, nhưng nhu cầu của người dân trên địa bàn chủ yếu ở các nghề trồng trọt, chăn nuôi. Ông Vi Văn Quốc, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện nay, để đảm bảo giáo viên cho 7 lớp dạy nghề LĐNT đang tổ chức tại các thôn, xã trên địa bàn huyện, trung tâm đang thực hiện thuê 4 giáo viên theo hợp đồng (thời vụ) với kinh phí khoảng 20 triệu đồng/giáo viên/lớp.

Chị Dương Thị Phương, viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Lãng cho biết: Do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Văn Lãng không có giáo viên dạy nghề trồng trọt nên từ năm 2018, tôi được trung tâm mời tham gia giảng dạy bộ môn này cho các lớp đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện. Vì thế, tôi cố gắng sắp xếp hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn để dành thời gian nghiên cứu giáo án và tham gia giảng dạy đến nay đã được 8 lớp. Thiết nghĩ, về lâu dài vẫn cần có giáo viên dạy nghề để Trung tâm GDNN-GDTX huyện có thể chủ động tổ chức mở các lớp nghề, đáp ứng nhu cầu đào tạo của LĐNT.

  Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ, lạc hậu

Cùng với thiếu giáo viên thì thời gian qua, các trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất như phòng học, nhà xưởng.

Tại Trung tâm GĐNN-GDTX huyện Bình Gia hiện có xưởng thực hành nghề và 5 phòng học để dạy nghề tại chỗ cho LĐNT, tuy nhiên, các phòng học đã xuống cấp, vì vậy, các lớp dạy nghề cho LĐNT chủ yếu tổ chức tại các xã, nhà văn hóa các thôn trên địa bàn. Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Qua rà soát tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho thấy, hiện các thiết bị dạy nghề đã có một số bị hư hỏng, xuống cấp và quá niên hạn sử dụng. Trong giai đoạn 2016 – 2019, trung tâm được cấp các trang thiết bị về nghề mộc, điện dân dụng, sửa chữa ô tô, điện lạnh theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do người dân chưa có nhu cầu đào tạo về các nghề này và Đề án 1956 đã hết hiệu lực nên một số trang thiết bị không còn phù hợp và xuống cấp.

Tương tự như ở Bình Gia, thời gian qua, các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện đều được bố trí cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo một số nghề nhưng chủ yếu là từ giai đoạn 2010 – 2020 khi còn thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956. Đặc thù của các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện phần lớn thiết bị phục vụ công tác đào tạo nhóm nghề nông nghiệp, do vậy các trang thiết bị đào tạo các nghề phi nông nghiệp như nghề: sửa chữa xe máy, mộc, cơ khí, quản trị mạng và sửa chữa máy tính, xây dựng dân dụng  ít được sử dụng và xuống cấp theo thời gian.

  Cần giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ để có cơ chế chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, nhất là về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung biên chế cho các trung tâm. Cùng đó, sở đã và đang xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh xem xét, có hướng dẫn về việc thực hiện điều động, luân chuyển nhân sự, đội ngũ giữa các trung tâm GDNN- GDTX trong toàn tỉnh để việc xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng tốt hơn yêu cầu đào tạo; xây dựng đề án trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng thực hành cho trung tâm GDNN- GDTX huyện để phục vụ cho các lớp học ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trước mắt, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với trung tâm GDNN-GDTX các huyện rà soát việc sử dụng các trang thiết bị dạy nghề được trang bị và điều chuyển linh hoạt các thiết bị dạy nghề hiện chưa được sử dụng giữa các trung tâm để sử dụng phù hợp, hiệu quả với ngành nghề, nhu cầu đào tạo của LĐNT.

 Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Thực trạng khó khăn tại trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trong thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua đã được ngành chủ quản báo cáo. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị một số nội dung liên quan đến kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, biên chế giáo viên nghề đến Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có giải pháp sắp xếp, bố trí biên chế giáo viên dạy nghề đối với trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện từ nguồn biên chế được giao; nghiên cứu, rà soát đội ngũ giáo viên văn hóa được bồi dưỡng, đủ điều kiện dạy nghề, bổ sung đội ngũ giáo viên dạy nghề của trung tâm GDNN-GDTX huyện nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho LĐNT của địa phương.

Trước khi những khó khăn, vướng mắc từng bước được tháo gỡ, thiết nghĩ, để đảm bảo thực hiện được kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành chức năng, các địa phương, trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trước mắt tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết với các cơ sở GDNN trong và ngoài tỉnh để tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Qua đó, giúp LĐNT có thêm kỹ năng nghề, tìm kiếm được việc làm, ổn định thu nhập.

Hết năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 60%, bình quân mỗi năm tăng từ 2 đến 2,2%, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, trong đó tỷ lệ LĐNT tham gia các khóa đào tạo chiếm trên 80%. Các đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người mới thoát nghèo, hộ có thu nhập thấp… Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp.


THANH HUYỀN - HOÀNG NHƯ

https://baolangson.vn/xa-hoi/576688-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-can-giai-phap-go-kho-ve-co-so-vat-chat-doi-ngu-giao-vien-tai-cac-trung-tam-gdnn-gdtx.html

  • Từ khóa