Giải quyết những nỗi lo mỗi mùa lễ hội

Chủ nhật, 10.12.2023 | 15:09:32
480 lượt xem

Du xuân, trảy hội đầu năm là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, lễ hội ngày càng được mở rộng cả về quy mô, số lượng. Tuy nhiên, kéo theo đó là nhiều tồn tại như: nạn cướp lễ, cướp lộc, mê tín dị đoan, nạn trộm cắp, cờ bạc, nạn nâng giá tùy tiện, “chặt chém” du khách…

Lễ hội Chùa Hương, Hà Nội. (Ảnh: Giang Nam)

Trước mỗi mùa lễ hội, các cơ quan chức năng có nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh công tác tổ chức, quản lý, “lên dây cót” để khắc phục tồn tại, hạn chế của năm cũ..., song mỗi mùa lễ hội lại phát sinh những biến tướng, hành vi phản cảm mới. Làm thế nào để mùa lễ hội thật sự an vui và lành mạnh vẫn luôn là một câu hỏi lớn!

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” (cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội), được coi là bước quan trọng để nâng cao hiệu quả tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm.

Cách đây 5 năm, Chính phủ có Nghị định số 110/2018/NĐ-CP (ký ngày 29/8/2018 và có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2018) về quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó nhấn mạnh: tổ chức lễ hội là nhằm giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm; không lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai minh bạch…

Nghị định cũng quy định “tạm ngừng tổ chức nếu lễ hội truyền thống bị sai lệch giá trị”. Thời điểm đó, quy định hoàn toàn mới này được cho là có sức răn đe lớn.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” (cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội), được coi là bước quan trọng để nâng cao hiệu quả tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Bộ tiêu chí cũng chính là công cụ và thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của hoạt động lễ hội tại địa phương.

Với chín tiêu chí chung và 44 tiêu chí cụ thể, Bộ tiêu chí là cơ sở, là định hướng để các ban tổ chức địa phương chuẩn hóa các tiêu chí, áp dụng thống nhất những giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu...

Đồng thời, đặc biệt nhấn mạnh việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; bài trừ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực, các hành vi phản cảm trái thuần phong mỹ tục vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh…

Ngành văn hóa cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng Bộ tiêu chí này, cũng như tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn theo phân cấp; thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức lễ hội.

Thực tế cho thấy, để chấn chỉnh, ngăn chặn tiêu cực một cách hiệu quả giúp có các mùa lễ hội lành mạnh, an vui, phải làm tốt và đồng bộ các công tác, từ phân cấp quản lý lễ hội, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng, thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm… Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra phải được siết chặt hơn, nhất là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, mê tín dị đoan, cờ bạc…

Cùng với thanh tra, kiểm tra việc quản lý, tổ chức lễ hội theo kế hoạch “cứng”, phải có thanh, kiểm tra liên ngành đột xuất nhằm tránh tình trạng đối phó của các ban tổ chức lễ hội và các cấp địa phương… Ba năm gần đây còn có yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch bản chất của di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (đã được UNESCO ghi danh).

Theo đó, hầu đồng chỉ được tổ chức ở nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu, không cho phép tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng như một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố; ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hầu đồng để trục lợi, làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của cộng đồng.

Đối với một số lễ hội thu hút đông người, như: lễ hội Chùa Hương, Đền Sóc (Hà Nội); Đền Trần (Nam Định); Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Yên Tử (Quảng Ninh); lễ hội Vía Bà (Tây Ninh); lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (An Giang),… ngành văn hóa yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án tổ chức năm 2024, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, văn minh, hiệu quả, ngăn chặn các hành vi bạo lực, phản cảm.

Văn hóa là lĩnh vực rộng, công tác văn hóa là nhiệm vụ khó khăn, thành tựu văn hóa không phải một sớm, một chiều mà có được. Công tác văn hóa là lâu dài, liên tục, cần phải có quyết tâm để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Phải trả lễ hội về đúng giá trị truyền thống tốt đẹp là: Khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/giai-quyet-nhung-noi-lo-moi-mua-le-hoi-post786769.html

  • Từ khóa