“Điểm tựa” lưu động của ngư dân

Thứ 3, 12.09.2023 | 09:00:20
380 lượt xem

Chúng tôi cùng đoàn công tác Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 tới thăm đúng lúc anh Hồ Văn Quảng, thuyền trưởng tàu NA 90216 TS, trú tại phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang gấp rút cùng các thuyền viên làm công tác chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày.

Thấy có khách tới thăm, anh đon đả tiếp chuyện: “Trước mỗi chuyến đi biển, việc kiểm tra tình trạng an toàn của tàu là vô cùng quan trọng. Được cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, tôi và anh em trên tàu luôn tuyệt đối chấp hành. Cùng với việc chuẩn bị các loại nhu yếu phẩm thì phần quan trọng nhất do đích thân thuyền trưởng thực hiện là kiểm tra lại độ an toàn của hệ thống máy, lái và thân vỏ tàu. Rồi cả các loại máy thông tin, định vị và tần số liên lạc với các đài canh trong tình huống khẩn cấp... Một lần suýt bỏ mạng trên biển là bài học đắt giá đối với đời đi biển của tôi. Lần đó, không có các anh CSB đến kịp thì không chắc 16 anh em trên tàu NA 90216 TS đã được trở về trọn vẹn”.

“Điểm tựa” lưu động của ngư dân

Cán bộ, chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 2005 tiếp cận ứng cứu tàu NA 90216 TS cùng 16 ngư dân gặp nạn, tháng 10-2021. Ảnh: LAM GIANG

Câu chuyện mà thuyền trưởng Hồ Văn Quảng nhắc đến xảy ra vào cuối tháng 10-2021, khi đó tàu NA 90216 TS đang khai thác hải sản tại vị trí cách Đông-Đông Nam cửa Lạch Quèn (Nghệ An) 82 hải lý thì gặp nạn. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, biển động mạnh khiến tàu NA 90216 TS bị gãy khuỷu nối chân vịt, phải thả trôi trên biển. Trong tình trạng nguy cấp đó, thuyền trưởng đã phát thông tin đề nghị lực lượng cứu nạn hỗ trợ khẩn cấp. Sau hơn 6 giờ hành trình, tàu CSB 2005 đã tiếp cận được tàu cá NA 90216 TS và lai dắt về bờ an toàn.

“Những người làm nghề đi biển như chúng tôi lúc nào cũng cầu mong có những chuyến ra khơi biển lặng sóng, cá đầy khoang. Biển cả bao la đã nuôi sống và giúp bà con ngư dân làm giàu, nhưng đó cũng là nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, nhất là trong mùa mưa bão. Giữa cơn cuồng nộ của biển khơi, sự xuất hiện kịp thời của CSB không chỉ giúp ngư dân chúng tôi bảo toàn tính mạng, tài sản mà còn tiếp thêm nghị lực, niềm tin để mỗi ngư dân, mỗi gia đình, dòng họ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông trên biển quê hương”, thuyền trưởng Hồ Văn Quảng chia sẻ.

“Điểm tựa” lưu động của ngư dân
Cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 1 trao nhu yếu phẩm tặng tàu cá của ngư dân trên biển. Ảnh: LAM GIANG

Là người chỉ huy đã gần trọn đời quân ngũ gắn với biển, Thiếu tướng Trần Văn Thơ, Tư lệnh Vùng CSB 1, cho biết: "Trực để đồng hành và sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn giúp ngư dân trên biển là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của lực lượng CSB. Nhiệm vụ này càng quan trọng hơn trong mùa mưa bão. Những năm qua, cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, Vùng CSB 1 luôn duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện bảo đảm sẵn sàng ứng cứu ngư dân trong mọi điều kiện thời tiết.

Cán bộ, chiến sĩ CSB chúng tôi chấp nhận xa đất liền, xa đơn vị, xa gia đình nhiều tháng, ứng trực trên những vùng biển xa để bất kể thời điểm nào cũng có thể kịp thời ứng cứu ngư dân. Chúng tôi xác định cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu, là "mệnh lệnh trái tim" nên dù có phải đối mặt với hiểm nguy, vượt sóng dữ để đến với ngư dân thì chúng tôi cũng luôn sẵn sàng. Thực tế cho thấy, nếu không có tàu trực sẵn trên các vùng biển thì việc tiếp cận tàu cá và ngư dân gặp nạn sẽ không thể nhanh, kịp thời được".


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/diem-tua-luu-dong-cua-ngu-dan-742324

  • Từ khóa