Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An: Phát huy sức dân bảo vệ biên giới

Thứ 5, 14.09.2023 | 14:58:19
381 lượt xem

Quá trình triển khai nhiệm vụ, các đơn vị của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An luôn chú trọng đề cao, thực hiện hiệu quả công tác dân vận. Những người lính mang quân hàm xanh bám địa bàn với phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”, vận động nhân dân lao động sản xuất nâng cao cuộc sống và chung sức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chủ trương đúng, mô hình hay 

Trên khu vực biên giới đất liền của tỉnh Nghệ An tiếp giáp với các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay và Hủa Phăn (Lào), hai bên biên giới chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, có mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi. Nhờ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, sự chung tay góp sức của lực lượng chức năng, vùng đất biên giới đang có những khởi sắc rõ nét.

Tuy nhiên, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ dân trí chưa đồng đều nên đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn vẫn còn thấp so với các khu vực khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động của các loại tội phạm, tuyên truyền đạo, di dịch cư, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Những yếu tố trên đặt ra nhiều thách thức cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn.  

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An: Phát huy sức dân bảo vệ biên giới
 Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền pháp luật cho nhân dân địa bàn. Ảnh: VIẾT LAM

Từ thực tế tình hình, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng làm tốt công tác dân vận ở khu vực biên giới. Thực hiện phương châm “lời nói đi đôi với việc làm”, từ nhiều năm trước, BĐBP tỉnh Nghệ An đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện các chủ trương lớn như: Điều động cán bộ biên phòng về tăng cường cho xã, giữ các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã biên giới; giới thiệu cán bộ đồn biên phòng ứng cử tham gia HĐND cấp huyện, xã; chuyển đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt tại các chi bộ đảng thôn, bản biên giới.

Hiện nay, BĐBP tỉnh Nghệ An đang duy trì 27 cán bộ tăng cường xã biên giới; 84 đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời về các thôn, bản yếu kém, địa bàn phức tạp; 522 đảng viên phụ trách 2.387 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Trên các cương vị khác nhau, cán bộ biên phòng đang bám sát địa bàn, hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ổn định về chính trị, cuộc sống.

Cùng với chủ trương chung, các đồn biên phòng đều bám sát thực tế địa bàn, xây dựng những mô hình hỗ trợ sinh kế, kết hợp với công tác dân vận hiệu quả. Mô hình "Tổ hợp ngôi nhà thiện nguyện" của Đồn Biên phòng Mỹ Lý là minh chứng rõ nét nhất.

Sau hơn 3 năm xây dựng đưa vào hoạt động, "Tổ hợp ngôi nhà thiện nguyện" trở thành địa điểm cấp đồ dùng sinh hoạt cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với giá 0 đồng. Tại đây còn có thư viện, điểm cắt tóc, phòng máy tính phục vụ miễn phí cho học sinh, cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

Trung tá Hoàng Thế Tài, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: “Tổ hợp ngôi nhà thiện nguyện" thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến để lấy đồ dùng sinh hoạt, tham gia học tập, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, pháp luật của Nhà nước”. Còn tại Đồn Biên phòng Tam Quang đã thành lập “Tổ thợ xây mang áo lính”, cùng với nhiệm vụ thường xuyên, những quân nhân này sẽ nhận sự điều động của chỉ huy đơn vị triển khai công tác giúp dân khi cần thiết.

Quá trình bám địa bàn, cán bộ, chiến sĩ sẽ kết hợp nắm tình hình, triển khai công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Sau 4 năm thành lập, tổ thợ xây của Đồn Biên phòng Tam Quang đã xây dựng, hoàn thành gần 10 công trình, gồm nhà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phòng học tại các ngôi trường trên địa bàn và hoàn thành kiên cố hóa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến các mô hình khác như: “Tủ thuốc biên cương” do Đồn Biên phòng Phúc Sơn xây dựng, thiết thực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa bàn. Mô hình “Sinh kế quân-dân kết hợp” của Đồn Biên phòng Nhôn Mai trao tặng con giống, tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế...  

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An: Phát huy sức dân bảo vệ biên giới
 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Ảnh: LÊ THẠCH

Bộ đội “miệng nói tay làm”

Nhờ những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP tỉnh Nghệ An, nhiều bản làng biên giới đang khởi sắc rõ nét. Nhiều năm về trước, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở bản biên giới Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An gặp muôn vàn khó khăn; đi cùng với đó, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Trước thực tế đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã huy động nguồn xã hội hóa, điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ về hỗ trợ 37 hộ gia đình trong bản kiên cố hóa nhà ở, mở đường, khai hoang ruộng trồng lúa nước.

“Miệng nói, tay làm”, BĐBP được đồng bào dân tộc Mông ở Huồi Sơn yêu mến, tin tưởng, từng bước nghe theo, tự giác trồng trọt, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, Huồi Sơn có 75 hộ dân với 400 nhân khẩu, bà con đã an cư lạc nghiệp, không còn hiện tượng khai thác lâm sản trái phép, di dịch cư tự do, trẻ em được tới trường học tập, trên 90% số hộ gia đình có xe máy, ti vi. Chi bộ đảng của bản Huồi Sơn có 16 đảng viên, luôn đoàn kết, thống nhất, vận động nhân dân phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cuộc sống đổi thay của đồng bào Đan Lai ở hai bản Cò Phạt và Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông được như bây giờ cũng nhờ công sức đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Nghệ An. Bởi hơn 20 năm về trước, những người lính biên phòng đã vào “cắm chốt” ở bản làng của người Đan Lai, vận động nhân dân khai hoang trồng lúa nước.

Rồi bộ đội mang nhiều loại cây giống, con giống về trồng, chăn nuôi, hướng dẫn nhân dân cách chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Khi đã được dân tin, những người lính biên phòng tiếp tục vận động nhân dân xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu như cúng ma, tự sinh con bên suối, nuôi trâu bò dưới sàn nhà... Giờ đây, cuộc sống của người dân Đan Lai được cải thiện rõ rệt, hòa nhập tốt với cộng đồng các dân tộc trong vùng.

Cuộc sống vật chất, tinh thần được nâng lên, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An thêm tin yêu, hỗ trợ BĐBP bảo vệ biên giới, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Hiện nay, BĐBP tỉnh Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng được 89 tổ, vận động 585 hộ gia đình, 628 cá nhân tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn.

Quá trình lao động sản xuất, nhân dân kịp thời phát hiện, thông báo cho BĐBP, lực lượng chức năng nhiều thông tin, sự việc phát sinh trên biên giới, địa bàn. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, nhân dân biên giới đã tố giác để các đơn vị BĐBP tỉnh Nghệ An xử lý 40 vụ/44 đối tượng vi phạm pháp luật và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Ông Phan Thanh Đoài, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: “Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã triển khai tuyên truyền, vận động, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua đó, tình cảm quân dân thêm gắn kết chặt chẽ, keo sơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới, lãnh thổ quốc gia”.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bo-doi-bien-phong-tinh-nghe-an-phat-huy-suc-dan-bao-ve-bien-gioi-742616

  • Từ khóa