Vaccine Covid-19 "made-in Vietnam": Áp lực của "người đi sau"

Thứ 4, 02.02.2022 | 09:34:03
944 lượt xem

Dự kiến sang năm 2022, Việt Nam sẽ chính thức có vaccine phòng Covid-19 "made-in Vietnam". Dù chậm song đây là cơ hội để nước ta chủ động được nguồn vaccine, tiến tới chấm dứt đại dịch.

Cuộc chạy đua vaccine phòng Covid-19

Những ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới được mô tả vào cuối năm 2019 tại TP Vũ Hán, Trung Quốc. Ngay sau đó, virus này bắt đầu lan ra toàn cầu và được WHO cảnh báo là đại dịch. Mới đầu, nhiều người nghĩ rằng nó chỉ giống như bệnh cúm nhưng sau 2 năm, con người đã chứng kiến sự tàn khốc của đại dịch.

Dịch đã lan tràn ra khắp 228 nước, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tổng cộng đã có hơn 260 triệu người mắc, hơn 5 triệu ca tử vong trên phạm vi toàn cầu. Đây là dữ liệu theo báo cáo của WorldMeter, con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Một cuộc chạy đua vaccine của những hãng dược lớn cũng bắt đầu trên quy mô toàn cầu. Nhằm chủ động nguồn cung vaccine, các công ty trong nước cũng ráo riết lên kế hoạch.

Vaccine Covid-19 made-in Vietnam: Áp lực của người đi sau - 1

Thử nghiệm vaccine Nanocovax (Ảnh: Mạnh Quân).

Là một trong 4 đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 ngay từ cuối năm 2020, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã chọn hướng phát triển theo công nghệ mới là vector virus tái tổ hợp protein dựa trên nền tảng là virus Baculo biểu hiện trên bề mặt kháng nguyên S của virus SARS-CoV-2. Vaccine được đặt tên Covinvax-1 đã hoàn thành thử nghiệm trên động vật, đang chờ cấp phép thử nghiệm lâm sàng trên người.

TS Đỗ Tất Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết công nghệ vector virus tái tổ hợp protein trên giá thể baculovirus là một công nghệ mới tiên tiến hiện nay. Công nghệ này là sự kết hợp đồng thời cả công nghệ vector virus và công nghệ protein tái tổ hợp. Công nghệ cho hiệu suất sản xuất cao và vaccine hứa hẹn có tính an toàn và hiệu quả tốt. Điều đặc biệt là công nghệ này không những chỉ giúp ích cho việc phát triển các vaccine phòng đại dịch mà còn là tiền đề để phát triển nhiều loại vaccine phòng bệnh trên người khác trong tương lai.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, công nghệ vaccine vector-Baculovirus có ưu thế hơn là virus Baculo không gây bệnh ở người, không có miễn dịch nền liên quan vaccine nên phản ứng bất lợi hay phản ứng phản vệ có khả năng giảm hơn so với chủng.

Bên cạnh đó còn kể đến vaccine tiểu thành phẩm của Nanogen (vaccine Nanocovax), vaccine khảm của Ivac (vaccine Covivax), vaccine saRNA của Vingroup (vaccine ARCT-154). TS Thái cho biết, nhược điểm của vaccine bất hoạt là phải tiêm lại nhiều lần, miễn dịch cũng không bền vững. Vì thế, các nhà khoa đã tách riêng phần gai để làm vaccine, chỉ lấy riêng vật liệu di truyền để cấy vào tế bào nấm men hoặc một số tế bào tăng sinh nhanh để từ đó có thể sản xuất lượng kháng nguyên dồi dào. Sau đó sử dụng lượng kháng nguyên này để sản xuất ra vaccine. Đây là hướng phát triển mà Nanocovax đang đi.

Vaccine khảm của Ivac cũng khá mới. Các nhà khoa học đem đoạn gai của virus cấy vào một virus khác, trong trường hợp này virus Newcastle là một virus gây bệnh ở gà, không liên quan gì đến bệnh ở người. Khi Ivac sử dụng công nghệ này, họ có thể sử dụng công nghệ hiện tại đang phát triển vaccine cúm. Với công nghệ này, vaccine cũng có đặc tính phản ứng rất nhẹ, không có phản ứng phụ nặng nề sau tiêm.

Cái khó của người đến sau

Tuy nhiên, dự kiến sang năm 2022, mới có thể sử dụng đại trà vaccine phòng Covid-19 được sản xuất trong nước. Theo TS Thái, một vấn đề đặt ra với các vaccine sản xuất trong nước là đi tìm thực địa. Vì cơ bản, rất nhiều tỉnh đã tiêm xong vaccine phòng Covid-19 vì thế việc đi tìm thực địa để có thể tiêm, để theo dõi rất là khó. Việc phê duyệt trong các hội đồng để được cấp phép cũng sẽ khó khăn.

Theo TS Đạt, khó khăn lớn nhất là nghiên cứu được tiến hành ngay trong thời kỳ dịch bệnh mới khởi phát và công nghệ vaccine lần đầu tiên Công ty được tiếp cận. Các nghiên cứu ban đầu rất khó khăn do chưa hiểu rõ về căn nguyên gây bệnh cũng như các gián đoạn nghiên cứu đang được tiến hành ở nước ngoài (tại Anh). Các nhà nghiên cứu phải trở về nước tiếp tục các công việc trong điều kiện các trang thiết bị còn thiếu thốn và khó đặt mua các nguyên vật liệu cho nghiên cứu.

Vaccine Covid-19 made-in Vietnam: Áp lực của người đi sau - 2

TS Đỗ Tất Đạt, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) (Ảnh: Tiến Tuấn)

Trong khi đó, các nghiên cứu phát triển vaccine mới của các hãng lớn trên thế giới tiến hành rất nhanh chóng và cho ra nhiều kết quả khả quan. Dù vậy, TS Đạt cho rằng điều này chính là động lực thúc đẩy các nghiên cứu trong nước do có thể tiếp cận các thông tin từ kết quả các nghiên cứu của nước ngoài sẽ giúp cho việc phát triển các vaccine trong nước được nhanh chóng và thuận lợi hơn.

TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế trực thuộc Bộ Y tế (Ivac) cũng cho biết một ưu điểm của vaccine Covivax là được sản xuất bằng công nghệ trứng gà có phôi, đây là công nghệ sản xuất vaccine cúm truyền thống đang được sử dụng rộng rãi. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã có đủ năng lực sản xuất vaccine ở quy mô lớn với giá cả hợp lý để phòng chống đại dịch.

Hy vọng có vaccine "made-in Vietnam" vào năm 2022

Ngoài tính an toàn, tiêm ít phản ứng phụ, theo TS Phạm Quang Thái, ưu thế của một số vaccine sản xuất trong nước như Nanocovax hay Ivac là có thể bảo quản ở nhiệt độ thông thường và vận chuyển rất dễ dàng.

"Hy vọng trong thời sớm nhất tại Việt Nam sẽ có vaccine "made-in Vietnam" và đưa vào tiêm chủng đại trà. Như thế, chúng ta chủ động được nguồn cung, các hãng cũng hứa hẹn sẽ điều chỉnh các đoạn gen để có được sản phẩm gần nhất với các chủng lưu hành hiện nay", TS Thái nói.

Theo kế hoạch, vaccine Nanocovax dự kiến sử dụng đại trà từ tháng 3/2022, vaccine Covivax của Ivac là tháng 4/2022, vaccine của Vingroup là tháng 6/2022.

Bên cạnh đó, Vabiotech cũng đã đóng gói và đóng ống thành công lô vaccine thương mại đầu tiên của vaccine Sputnik V tại Việt Nam vào tháng 10/2021. Điều này tạo tiền đề cho việc hợp tác chuyển giao công nghệ vaccine với phía Liên bang Nga trong thời gian tới đây. Vaccine Covinvax-1 cũng đã có kết quả đánh giá khả quan trên động vật, đang chờ cấp phép thử nghiệm lâm sàng trên người. Điều này sẽ giúp ích cho việc tiến tới có thể thử nghiệm lâm sàng trên người, áp dụng trong phát triển các vaccine Covid-19 chống lại các biến chủng mới hoặc các loại vaccine phòng bệnh khác trên người trong tương lai.

Vaccine Covid-19 made-in Vietnam: Áp lực của người đi sau - 3

Ngay từ cuối năm 2020, Vabiotech cùng nhiều công ty khác đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine trong là một trong những chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động gặp gỡ, động viên các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất vaccine. Đến nay việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại vaccine ở Việt Nam có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự tham gia, hướng dẫn của các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế, ngành y tế Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt trong nghiên cứu vắc xin phòng ngừa Covid-19, tiến tới sản xuất được các loại vaccine với giá cả phải chăng, an toàn và hiệu quả.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/vaccine-covid19-madein-vietnam-ap-luc-cua-nguoi-di-sau-20220128193737950.htm

  • Từ khóa