Thu hút đầu tư, tạo đà phát triển thương mại nội địa

Thứ 3, 02.01.2024 | 14:32:15
624 lượt xem

Trong những năm qua, lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ với cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại từ các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn đến hệ thống đại lý và các chợ truyền thống.

Từ việc tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua đã thúc đẩy lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Thu hút nguồn lực

Để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực thương mại – dịch vụ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã “trải thảm đỏ” để mời gọi các nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2013 – 2023, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện đã quan tâm tổ chức các hội nghị gặp mặt đối thoại cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cuộc đối thoại chuyên đề (riêng cấp tỉnh bình quân mỗi năm khoảng 3 hội nghị) về thu hút đầu tư lĩnh vực thương mại; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quá trình thực hiện dự án của doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có hơn 60 chuyến công tác đến thăm, làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức của nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế để mời gọi đầu tư vào Lạng Sơn.

Đơn cử như Sở Công Thương đã phối hợp và chủ trì tổ chức 12 hội nghị, thành lập 11 đoàn công tác trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, thông tin những cơ chế, chính sách ưu đãi, nội dung ưu tiên thu hút đầu tư để doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm và thực hiện đầu tư.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2013 – 2023, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2019. Chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Qua đó, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư, biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 102 dự án với tổng vốn đăng ký trên 105 nghìn tỷ đồng, trong đó trên 50% tổng số vốn đăng ký đầu tư liên quan đến lĩnh vực thương mại – dịch vụ.

Ông Trần Hữu Giang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Qua kết quả theo dõi, tổng hợp, từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án về lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Trong đó, có những tập đoàn, tổng công ty lớn lần đầu tiên quan tâm, triển khai dự án tại tỉnh như: VinGroup; MasanGroup; Công ty Cổ phần Mediamart Việt Nam…, qua đó đã góp phần tạo bức tranh với những gam màu sáng trong phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với những mục tiêu rõ ràng được đề ra cho từng năm, từng giai đoạn, việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có những bước đột phá. Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ năm 2013 đến nay, tổng vốn thu hút đầu tư hạ tầng thương mại nội địa cốt lõi như: xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn, siêu thị và cải tạo nâng cấp, xây mới chợ đạt trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách chỉ khoảng 30 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. Qua đó, hạ tầng thương mại nội địa đã từng bước được hình thành một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Tạo bước đột phá

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Đồng Tiến, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn

Hiệu quả từ thu hút nguồn lực đầu tư đã tạo bước đột phá trong phát triển thương mại nội địa trên địa bàn tỉnh những năm qua. Trong đó, nổi bật là phát triển hạ tầng bán lẻ hiện đại. Nếu như trước năm 2014, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 siêu thị (Siêu thị Thành Đô và Siêu thị Lasvilla), thì đến nay, toàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại, 9 siêu thị lớn đang hoạt động (5 siêu thị hàng tiêu dùng và 4 siêu thị điện máy), chuỗi 14 cửa hàng tiện lợi Winmart+… Đặc biệt trong đó là sự xuất hiện của những thương hiệu lớn trong lĩnh vực bán lẻ như: Winmart; chuỗi hệ thống Siêu thị Điện máy xanh và cửa hàng Thế giới di động; Mediamart…

Cùng với đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạng lưới khoảng 20.000 đại lý, cơ sở kinh doanh bán lẻ hiện đại và truyền thống. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc xây mới, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, là hạ tầng thương mại trọng yếu của khu vực nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 82 chợ, trong đó đã có 25 chợ nông thôn đạt tiêu chí số 7 theo Bộ Tiêu chí quốc gia nông thôn mới; 35/82 chợ đã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại; các chợ còn lại đều đã có lộ trình đầu tư nâng cấp, xây mới.

Ngoài ra, một điểm nhấn trong bức tranh tổng thể về thương mại – dịch vụ của tỉnh trong 10 năm trở lại đây đó là hệ thống nhà hàng, khách sạn phát triển nhanh chóng với chất lượng dịch vụ từ bình dân đến cao cấp. Trong số đó, nổi bật là sự xuất hiện của thương hiệu khách sạn 5 sao nổi tiếng quốc tế “Four Points by Sheraton”; khách sạn công nghệ tiện lợi “SOJO” hay sự “nâng sao” trong giai đoạn vừa qua của Khách sạn Mường Thanh.

Bà Doãn Thị Hương Sao, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn cho biết: Khách sạn Mường Thanh có mặt tại Lạng Sơn từ năm 2010 với tiêu chuẩn 4 sao, quy mô 124 phòng. Đầu năm 2018, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như bắt nhịp xu thế phát triển của tỉnh, ban giám đốc đã tham mưu tập đoàn đầu tư nâng cấp toàn diện khách sạn, từ 4 sao lên tiêu chuẩn 5 sao, với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Đến tháng 11/2018, Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn tiêu chuẩn 5 sao với quy mô 239 phòng chính thức đưa vào khai thác, đáp ứng tối đa khoảng 500 khách/ngày (đối với khách phòng nghỉ) và khoảng 1.800 khách dự sự kiện/ngày.

Cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại đã tạo sự đột phá trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, theo thống kê của ngành công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh tăng đều trong những năm gần đây và tăng cao qua các nhiệm kỳ. Nếu như năm 2015 là 14.433 tỷ đồng, đến năm 2020 tăng lên 20.544 tỷ đồng thì năm 2022 đã đạt hơn 24.451 tỷ đồng; tính trong 11 tháng của năm 2023 đạt khoảng 31.175 tỷ đồng. Với giá trị tăng trưởng của thương mại, dịch vụ đã góp phần quan trọng đưa Lạng Sơn trở thành tỉnh có ngành thương mại chiếm tỷ trọng trong tổng GRDP của kinh tế tỉnh (từ 9% – 11%) cao nhất trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc và cao hơn mức trung bình toàn vùng (5% – 6%).

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Từ những kết quả đã đạt được, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36  ngày 25/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thương mại, dịch vụ tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quan điểm là phát triển thương mại – dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững phù hợp với Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tỉnh và xu thế hội nhập quốc tế, gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển mạnh thương mại nội địa, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ mới, đem lại giá trị gia tăng cao.

Có thể thấy, sự phát triển về hạ tầng và sự tăng trưởng giá trị lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã góp phần quan trọng giúp tỉnh đạt được những thành tựu kinh tế lớn thời gian qua. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước thực hiện mục tiêu đưa thương mại – dịch vụ trở thành ngành kinh tế trọng yếu, tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế chung toàn tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/634518-thu-hut-dau-tu-tao-da-phat-trien-thuong-mai-noi-dia.html

  • Từ khóa