Trả lời bạn xem truyền hình ngày 05/12/2023

Thứ 3, 05.12.2023 | 00:00:00
2,167 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn

Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Sùng Văn Tư trú tại thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập hỏi: Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: 

Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Câu 2. Ông Lý Minh Đức trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: Tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình được xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Việc cấm tiếp xúc trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình như sau:

1. Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình khi nhận tin báo, tố giác thì trong phạm vi quyền hạn của mình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời, thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. 

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 19 của Luật này khi nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an xã) xử lý.

4. Trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm thì việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. 

5. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 25 quy định về cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03 ngày trong các trường hợp sau đây:

a) Có đề nghị của người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình. 

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị thì phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình;

b) Hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình.

2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người đề nghị biết. 

3. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình. 

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc có thẩm quyền hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc. Việc hủy bỏ quyết định cấm tiếp xúc thực hiện trong trường hợp sau đây:

a) Có yêu cầu của người đề nghị ra quyết định cấm tiếp xúc quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; 

b) Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình không đồng ý với quyết định cấm tiếp xúc quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Khi xét thấy biện pháp này không còn cần thiết.

5. Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.

6. Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ. 

7. Trường hợp gia đình có việc cưới, việc tang hoặc trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình cần tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình thì người có hành vi bạo lực gia đình phải thông báo với người được phân công giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc và cam kết không để xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

  • Từ khóa