Trả lời bạn xem truyền hình ngày 19/12/2023

Thứ 4, 20.12.2023 | 10:05:17
1,725 lượt xem

Thưa quý vị và các bạn

Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:

Câu 1. Ông Vi Ngọc Vũ trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng?

Trả lời:

Điều 430 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng như sau:

Thứ nhất, khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Thứ hai, Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có các nội dung chính:

- Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định; 

- Họ tên, chữ ký các thành viên Hội đồng xét xử đã ra quyết định; 

- Lý do, căn cứ ra quyết định; 

- Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị cáo; 

- Tội danh, điểm, khoản, điều của BLHS đã áp dụng; 

- Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; 

- Trách nhiệm của trường giáo dưỡng nơi giáo dục người bị áp dụng biện pháp này.

Thứ ba, Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng được giao ngay cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ họăc người đại diện của họ và trường giáo dưỡng nơi giáo dục họ.


Câu 2. Ông Lương Văn Chung, trú tại xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng hỏi: hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân (khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự). Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

Về xử phạt hành chính

1) Đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định:

Căn cứ tại Khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định hành vi không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 bị xử lý như sau:

+ Phạt cảnh cáo đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;

+ Phạt tiền từ 08-10 triệu đồng đối trường hợp không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu (trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo nêu trên) hoặc các trường hợp không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, nơi cư trú… theo quy định.

2) Đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

Theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP), hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý như sau:

- Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

- Phạt tiền từ 12-15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

- Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

- Phạt tiền từ 25-35 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

3) Đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ:

Khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP (sửa đổi Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về nhập ngũ nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

- Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.

- Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP. 

Về xử lý hình sự

Người có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 332, Điều 333 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

 b) Phạm tội trong thời chiến;

 c) Lôi kéo người khác phạm tội.

Điều 333. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

 b) Lôi kéo người khác phạm tội”.

  • Từ khóa