Thay đổi nhỏ mang lại hiệu quả lớn

Thứ 7, 16.03.2024 | 15:24:25
346 lượt xem

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật giúp phòng, trừ sâu bệnh gây hại, tăng năng suất, sản lượng, bảo quản nông sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chất lượng nông sản và môi trường.

Mô hình Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật ở xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). (Ảnh CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT)


Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, hơn 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước.

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm nhưng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại khu vực này chưa thật sự hiệu quả, còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị nông sản. Lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học được sử dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long đang cao hơn mức trung bình cả nước khoảng 70%.

Bên cạnh đó, việc thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cũng chưa thật sự được quan tâm đúng mức.

Trước thực trạng đó, từ tháng 12/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án về hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ năm 2021 đến 2026.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) được chọn là nơi triển khai dự án với diện tích sản xuất lúa khoảng 240 ha.

Chương trình đã tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cho nông dân, đại lý và cán bộ tại địa phương, tập trung vào các nguyên tắc sử dụng thuốc, kỹ thuật pha thuốc, phun thuốc và xử lý thuốc, nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hướng dẫn sử dụng thiết bị bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc và hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc sau sử dụng; xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, an toàn và hiệu quả và mô hình cùng nông dân bảo vệ môi trường, bao gồm thiết lập các bể chứa bao, gói thuốc sau sử dụng, phát động ngày thu gom.

Theo chia sẻ của người dân, trước đây bà con canh tác theo tập quán cũ, cho nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá tùy tiện.

Thông thường, vào một số mốc thời gian sau khi gieo cấy, bà con sẽ phun thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ bệnh cho lúa chứ không cần đợi đến khi cây bị dịch hại mới phun. Thói quen của người dân đã có sự dịch chuyển.

Sau khi được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ-liều lượng, đúng cách, đúng lúc), bà con đã biết cách phun thuốc đúng quy trình cũng như theo dõi dịch hại phát sinh trên cây lúa, chỉ phun khi cây có dịch hại, phun theo khuyến cáo chứ không phun tràn lan phòng ngừa bệnh như trước đây.

Việc sử dụng đúng kỹ thuật giúp số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể. Những thay đổi nhỏ trong thói quen đã mang lại hiệu quả lớn.

Theo tính toán, người dân tiết kiệm được từ 500.000-700.000 đồng/ha chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Điều quan trọng nhất là bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, sử dụng nông sản và môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, trách nhiệm, nâng cao giá trị nông sản.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, chương trình bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của nông dân.

Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả đã hỗ trợ nông dân, các đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phòng trừ sinh vật gây hại nhằm phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, giữ gìn môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng; từ đó, hình thành nên vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với việc thực hiện các mô hình thực tế, Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam còn phối hợp sản xuất chuỗi video hình động (animation) về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa kênh giao tiếp thông tin tới nông dân, giúp nông dân tiếp cận thông tin, tài liệu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách nhanh chóng, trực quan, dễ hiểu và thuận tiện hơn.

Đây cũng được xem là nguồn tài liệu giúp các cán bộ kỹ thuật và đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có thể tiếp cận để cùng đồng hành và hướng dẫn trong việc lựa chọn, quyết định và sử dụng thuốc đúng cách, có trách nhiệm, hướng tới hình thành thói quen canh tác an toàn bền vững.

Để nhân rộng những mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho rằng, thời gian tới ngành bảo vệ thực vật cần tiếp tục hoàn thiện và số hóa tài liệu tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm; quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) và quản lý sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính; phối hợp với các hiệp hội, đơn vị liên quan xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm; tập trung mở rộng xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả từ đó đề xuất giải pháp và sáng kiến trong việc triển khai nhân rộng các mô hình tập huấn hướng tới thay đổi hành vi và thói quen sử dụng thuốc của nông dân trên khắp cả nước; đẩy mạnh các hoạt động thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thay-doi-nho-mang-lai-hieu-qua-lon-post800222.html


  • Từ khóa