Chuyện về Đội biệt động Bà Rá

Thứ 5, 30.04.2020 | 08:53:26
875 lượt xem

Đội biệt động Bà Rá đã giúp Trung đoàn tạo nên thời cơ chuẩn bị nhanh hơn; làm cho bộ đội có niềm tin chiến thắng khi biết hoạt động của địch.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở nhiều địa phương hình thành các đội biệt động với nhiệm vụ vừa đánh địch, vừa xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Ở tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) cũng có đội biệt động như thế với tên gọi Đội biệt động Bà Rá khiến kẻ địch ăn không ngon, ngủ không yên, góp phần vào công cuộc giải phóng Phước Long năm 1975.

chuyen ve doi biet dong ba ra hinh 1
Để tưởng nhớ anh linh các liệt sỹ và đồng bào tử nạn trên chiến trường Bà Rá, Phước Long những đồng đội còn sống đã dựng bia lưu niệm.

Một ngày giữa tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về với ngọn núi “thần” (núi Bà Rá theo cách gọi của người dân Phước Long) để được gặp các nhân chứng lịch sử. Trong căn nhà dưới chân núi Bà Rá ở phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, bà Huỳnh Thị Minh Tuyết (tên thường gọi là Bảy Tuyết, nữ đội trưởng Đội biệt động Bà Rá năm xưa), đón chúng tôi bằng nụ cười nhân hậu. Ở cái tuổi 78 nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn nên những câu chuyện trong kháng chiến chống Mỹ tại Phước Long qua lời kể của bà kể như những thước phim tư liệu được tua lại.

Ngước nhìn ngọn núi Bà Rá hùng vĩ, bà Bảy Tuyết nói, nếu không quá “yêu” nơi đây, có lẽ giờ bà đã sống tại TP.HCM cùng với người thân. “Làm sao xa được nơi này, nơi mình đã sống và chiến đấu. Nơi đây cũng thắm đượm tình cảm của bà con khi phải nhịn ăn để dành cho cán bộ, che giấu cán bộ mặc dù biết rất nguy hiểm”, bà Bảy Tuyết nghẹn ngào.

chuyen ve doi biet dong ba ra hinh 2
Ông Bảy Thỏa đang xem lại danh sách những đồng đội hy sinh.

Đội biệt động Bà Rá hoạt động suốt 10 năm liền, từ năm 1965 đến khi giải phóng Phước Long vào ngày 6/1/1975. Đội biệt động Bà Rá do Tỉnh ủy Phước Long thành lập, ban đầu do ông Phạm Văn Quý, Thường vụ Cao ủy K25 làm đội trưởng; 3 năm sau, bà Bảy Tuyết lên tiếp quản. 

Ngày ấy, nhiệm vụ của đội là thực hiện 3 mũi giáp công ngay trên địa bàn, trong đó có việc vận động xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền vận động để giác ngộ cho binh lính sĩ quan địch, tổ chức các hoạt động quân sự “diệt ác phá kìm”.

Do đơn vị đảm đương nhiệm vụ hết sức đặc biệt trong lòng địch nên Tỉnh ủy Phước Long đã quyết định tăng chế độ phụ cấp cho đội biệt động gấp 2 lần so với các đơn vị khác và được trang bị vũ khí, khí tài, thiết bị tương đối mạnh, như: cối 60, B40, AK47, mìn trái, đạn dược và điện đài cơ yếu để kịp thời thông tin báo cáo tình hình về cấp trên. 

Quân số đội cũng được tăng cường những cán bộ cốt cán có trình độ, năng lực. “Đơn vị có lúc nhiều lúc ít, được chi viện có mười mấy người, nếu trên rút về còn 6 - 7 người, vừa đi công tác, vừa đánh địch, vừa bảo vệ điện đài cơ yếu. Sau đó tôi thấy khó khăn nên điện về tỉnh xin cho rút bớt quân về, chứ không đủ lực lượng bảo vệ, mất mấy cán bộ này rất nguy hiểm vì là cơ yếu và điện đài”, bà Tuyết nói. 

Trong khi địch chiếm lĩnh vị trí trên đỉnh núi, chân núi thì đội biệt động hoạt động ở lưng chừng núi, dã chiến trong các hốc cây, hang đá. Chiến thuật của đội rất đa dạng, lợi dụng sự hiểm trở của núi rừng, đánh bên ngoài, đánh táo bạo thọc sâu, trà trộn để đánh, đụng địch là đánh. Đội biệt động thường đánh những trận nhỏ lẻ, có khi một ngày đụng độ 2 - 3 trận. Các trận đánh lớn như đột kích vào sân bay Phước Bình, đánh đồn Phước Lộc, ấp chiến lược Sơn Giang, phá cầu Đắc Lung… thì đội phối hợp với quân giải phóng, bộ đội địa phương.

Bám trụ nhờ sự chở che, đùm bọc của đồng bào 

Tháng 7/1972, sức khỏe yếu sau nhiều lần bị thương, bà Bảy Tuyết được rút về căn cứ và làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bình Phước (xưa), giao lại nhiệm vụ Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá cho ông Nguyễn Văn Thỏa (Bảy Thỏa), lúc này đang là đội phó.     

chuyen ve doi biet dong ba ra hinh 3
Bà Bảy Tuyết kể về những năm tháng hoạt động kháng chiến tại núi Bad Rá.

Hàng chục năm trôi qua nhưng trong tâm trí của ông Nguyễn Văn Thỏa vẫn nguyên vẹn ký ức về những năm tháng bám trụ trên địa bàn núi Bà Rá. Quá khứ không ngủ yên, ông Thỏa đã đem cây sung, cây chuối rừng từ núi Bà Rá về trồng trong vườn nhà ở phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông Thỏa nói, nó là cả một trời kỷ niệm. 

Cây chuối, trái sung là thức ăn chính của đội trong những ngày tháng thiếu thốn khi địch cắt đường tiếp tế. Có những tháng mùa nắng, địch phục kích tại các con suối, đội phải tận dụng nước rỉ ra từ các mạch nguồn, khe đá làm nước uống. Những cơn sốt rét rừng, những vết thương do rắn rết... không làm các chiến sĩ đội biệt động nao núng.

Ông Thỏa khẳng định, những ngày tháng ấy, chính sự giúp đỡ, chở che của quần chúng nhân dân, trong đó có đồng bào người dân tộc thiểu số tại chỗ, mà Đội biệt động Bà Rá thêm sức mạnh để bám trụ và chiến đấu kiên cường, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. “Bám trụ được trên chiến trường ác liệt này là nhờ tình thương, chở che, đùm bọc của đồng bào. Đó là đồng bào Kinh hay đồng bào dân tộc khi được giác ngộ cách mạng đều là những người dân yêu nước. Tình yêu, tấm lòng của họ đối với Tổ quốc thật sự tuyệt vời. Nếu không có họ thì anh em ở đơn vị không thể bám trụ trong vòng vây của quân thù”, ông Bảy Thỏa kể.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, sau khi giúp sức, dẫn đường để các đơn vị chủ lực, đơn vị pháo binh tiếp cận mục tiêu của địch, tiêu diệt địch trong chiến dịch đường 14 - Phước Long để giành chiến thắng Phước Long, giải phóng hoàn toàn một tỉnh lỵ đầu tiên của miền Nam, Đội biệt động Bà Rá cũng kết thúc nhiệm vụ. 

 Là một nhân chứng sống của lịch sử, đặc biệt là trong công cuộc giải phóng Phước Long, Đại tá Trần Quang Triệu, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 nhấn mạnh, Đội biệt động Bà Rá có vai trò hết sức quan trọng giúp Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 do ông làm trung đoàn trưởng tiến sát vào cơ quan đầu não của địch để làm nên chiến thắng Phước Long. 

Đại tá Trần Quang Triệu cho biết, lúc đó Phước Long với địa hình núi non hiểm trở, rất khó triển khai lực lượng nhưng phải đánh nhanh, đánh gấp nên đơn vị gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, trung đoàn đã được Đội biệt động Bà Rá dẫn đường, giúp tổ chức đội hình phù hợp. Chiến thắng Phước Long là đòn trinh sát chiến lược, giúp trung ương có nhận định thời cơ để giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian sớm nhất. 

Đại tá Trần Quang Triệu nhấn mạnh: “Đội biệt động Bà Rá đã giúp Trung đoàn tạo nên thời cơ chuẩn bị nhanh hơn; làm cho bộ đội có niềm tin chiến thắng khi biết hoạt động của địch. Đồng thời thể hiện cái tình giữa địa phương và bộ đội chủ lực có sự gắn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ”.

Hòa bình lập lại, các chiến sĩ trong Đội biệt động năm xưa nhận nhiệm vụ mới. Có người trở về quê Long An, người công tác ở tỉnh Bình Thuận, người ở lại Phước Long nhưng những năm tháng “ăn rừng, ngủ núi” vẫn in sâu trong tâm trí của mỗi người. Để tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại chiến trường Bà Rá Phước Long, những đồng đội còn sống đã vận động xây dựng bia tưởng niệm ngay trên núi Bà Rá.

45 năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng Phước Long tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, chiến công và những cống hiến, hy sinh của Đội biệt động Bà Rá năm xưa luôn là niềm tự hào của người dân Phước Long, người dân Bình Phước./.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-ve-doi-biet-dong-ba-ra-1043316.vov

  • Từ khóa