Nhiều cựu cán bộ trong vụ thâu tóm “đất vàng” tại Đà Nẵng xin giảm án

Thứ 4, 06.05.2020 | 08:22:59
469 lượt xem

Trong phần xét hỏi, phần lớn các cựu cán bộ Đà Nẵng đều cho rằng mình làm theo chỉ đạo của cấp trên và khi thực hiện hành vi không nhận thức đó là tội.

Ngày 5/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm với hai cựu Chủ tịch và TP Đà Nẵng cùng các bị cáo khác trong vụ án thâu tóm “đất vàng” tại Đà Nẵng bước sang ngày làm việc thứ hai, tiếp tục diễn ra ở phần xét hỏi.

Theo đó, trong phần xét hỏi, hầu hết các các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo một số cơ quan tại Đà Nẵng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, có bị cáo thì xin được HĐXX cho mình được miễn trách nhiệm hình sự. Trình bày trước HĐXX, cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng - Đào Tấn Bằng cho biết, bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên 18 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai là nặng so với hành vi của bị cáo.

nhieu cuu can bo trong vu thau tom
Các bị cáo ở phiên phúc thẩm phần lớn là những cựu quan chức của TP Đà Nẵng. (Ảnh: Trọng Phú)

Do đó, bị cáo này đã có một số nội dung kháng cáo như sau: Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định bị cáo tham mưu cho lãnh đạo ký công văn 8332 giao quyền sử dụng đất cho Công ty xây dựng Bắc Nam 79 là thiếu căn cứ. Bị cáo thừa nhận có hành vi tham gia soạn thảo, ký phiếu trình và văn bản theo chỉ đạo của cấp trên, quan hệ phụ thuộc.

Việc soạn thảo phiếu trình, công văn giấy tờ là theo quy trình xử lý hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính theo quy định của Bộ Nội vụ, không phải là tham mưu, đề xuất và không mang tính quyết định; không có động cơ mục đích gì, không hưởng lợi. Thứ hai, bản án quy kết bị cáo soạn thảo Công văn số 4869 cho bị cáo Minh ký đồng ý cho đổi tên người nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 sang cho cá nhân bị cáo Phan Văn Anh Vũ trái quy định là không có căn cứ và oan cho bị cáo.

Vì tại Tờ trình số 25 của Công ty xây dựng Bắc Nam 79 thì bị cáo Minh đã phê đồng ý và giao cho bị cáo Phan Xuân Ít làm thông báo, không phải giao cho bị cáo thực hiện. Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo có hành vi đồng phạm giúp sức là không đúng mà hành vi của bị cáo là giúp việc, thực hiện công việc hành chính theo Luật cán bộ, công chức.

Ngoài ra, kết luận giám định tư pháp ngày 26/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường không kết luận trách nhiệm của bị cáo nên việc truy tố, xét xử bị cáo là không có căn cứ. Thứ ba, thời điểm UBND thành phố Đà Nẵng giao khu đất 3.264m2 tại Ngô quyền (Công viên An Đồn cũ) cho Công ty xây dựng Bắc Nam 79 là ngày 29/12/2010, nên cần phải tính giá trị thiệt hại tại thời điểm vi phạm để xác định trách nhiệm hình sự hoặc dân sự nếu có. Thứ tư, về thiệt hại do giảm 10%: Bị cáo không tham mưu, đề xuất cho Công ty xây dựng Bắc Nam 79 được giảm 10% tiền sử dụng đất, nhưng bản án sơ thẩm quy kết bị cáo có hành vi tham mưu giảm 10% là hoàn toàn không đúng. Bên cạnh đó, cựu Phó chánh Văn phòng này cũng cho biết thêm, bị cáo là người có nhiều thành tích trong công tác, nhiều đóng góp cho địa phương, gia đình có công với cách mạng…

Từ đó, bị cáo này đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá toàn diện, đầy đủ các chứng cứ, các quy định pháp luật để tuyên một bản án thấu tình đạt lý và cho bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự. Trước đó, cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bị cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

nhieu cuu can bo trong vu thau tom
HĐXX phiên phúc thẩm. (Ảnh: Trọng Phú)

Theo bản án sơ thẩm, mặc dù lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại số 73 Nguyễn Thái Học cho Công ty Nhất Gia Phúc (thuộc sở hữu của Phan Văn Anh Vũ) với giá hơn 5,6 tỷ đồng (có tính hệ số ngã tư), Nguyễn Ngọc Tuấn ký tờ trình, đề xuất giá bán chỉ còn 4,4 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước. Với dự án 3,77 ha đường Trường Sa, khi đó Nguyễn Ngọc Tuấn là phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký quyết định hủy bỏ quyết định mà ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký ban hành trước đó với đơn giá đất là 1,65 triệu đồng/m2. Còn với dự án 1,5 ha đường Trường Sa, bị cáo đã ký ban hành quyết định giao đất và ký cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ. Trước tòa, bị cáo Tuấn khai nhận, theo phân công lãnh đạo, giám đốc sở theo dõi tình hình chung. Mảng nhà được giao cho 1 phó giám đốc chịu trách nhiệm.

Năm 2010, phó giám đốc chuyển công tác sang vị trí khác nên bị cáo Tuấn tiếp quản thêm mảng này. Bị cáo Tuấn cho rằng, nhiệm vụ của hội đồng định giá là trình giá gồm 2 hệ số là khả năng sinh lời và hệ số ngã tư. Việc này là theo quy định, có kiểm tra các nhà liền kề và ra hệ số này. Sau này khi kiểm tra lại văn bản của thành phố thì chỉ đề hệ số sinh lợi. Bị cáo chỉ biết điều này khi cơ quan điều tra hỏi đến. Bị cáo thừa nhận sai phạm là do xao lãng. Ngoài ra, bị cáo Tuấn cũng đề nghị xem xét lại về trách nhiệm dân sự. Bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải bồi thường 29 tỷ đồng. Bị cáo cho rằng giá trị bồi thường trên là không thỏa đáng và công bằng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cựu Giám đốc Sở Xây dựng xuất trình chứng cứ mới là bồi thường 2,18 tỷ đồng. Giải trình về việc khắc phục số tiền trên, bị cáo cho rằng bản thân không có lợi ích, không tham nhũng, “lấy tiền đâu để trả số tiền quá lớn như vậy (29 tỷ đồng)”. Bị cáo đề nghị cần phải xem xét lại việc tính thiệt hại. Nếu tòa phúc thẩm không cho phép tính toán lại, thì bị cáo đề nghị lấy thiệt hại tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Chủ tọa giải thích, theo quy định pháp luật, quá trình giao dịch xảy ra sau 10 năm, dù có hợp pháp hay không hợp pháp thì đều xác định giá ở thời điểm xét xử.

Bị cáo Tuấn cũng cho rằng, thời điểm đó, Đà Nẵng là thành phố mới thành lập và chỉ trông chờ vào việc bán tài sản để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Chủ tọa nói: “Tòa rất thông cảm các bị cáo là người có trọng trách tại thành phố lớn”.

Đại diện cơ quan công tố đặt vấn đề về động cơ phạm tội, vì sao bị cáo Tuấn nói không vụ lợi nhưng cho giảm giá nhà, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% quyền sử dụng đất? Vậy bị cáo có chịu áp lực nào không? Bị cáo Tuấn trả lời: “Chỉ làm theo thủ tục hành chính và không chịu áp lực nào”. Bị cáo Trần Phi, cựu Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng bị tòa sơ thẩm xử phạt 2 năm tù, bồi thường 440 triệu đồng.

Bị cáo cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hiện bị cáo đã bồi thường 441 triệu đồng (kèm theo án phí). Bản án sơ thẩm xác định, trong vụ án này hai cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng thời kỳ 2006 - 2014 là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến giữ vai trò chính. Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức. Các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ UBND TP. Đà nẵng đều làm trái quy định khi bán nhà công sản và chuyển giao đất dự án.

Bản thân bị cáo Vũ được nhận nhiều tài sản ở vị trí đắc địa, được hưởng lợi đặc biệt lớn. Hậu quả của vụ án là nhà nước bị thiệt hại số tiền hơn 20.000 tỷ đồng (giá tại thời điểm khởi tố vụ án). Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (ngày 6/5)./.


Trọng Phú/VOV.VN

https://vov.vn/vu-an/nhieu-cuu-can-bo-trong-vu-thau-tom-dat-vang-tai-da-nang-xin-giam-an-1045278.vov

  • Từ khóa