AI đang tiến hoá để thông minh như con người

Thứ 7, 09.05.2020 | 14:25:06
480 lượt xem

AI đang từng bước đi vào đời sống và ngày nào đó sẽ hiện thực hóa giấc mơ về máy móc có khả năng tư duy như con người.

Mục đích cuối cùng của việc phát triển và hoàn thiện khả năng học hỏi của máy móc cùng các thuật toán AI tới nay vẫn là tái tạo trí thông minh từ bộ não con người. Một trí thông minh nhân tạo lý tưởng có thể tiếp nhận thế giới xung quanh con người qua các "ngõ vào tri giác" điển hình, đồng thời tận dụng được sức mạnh xử lý và bộ nhớ của hệ thống các siêu máy tính. Trí thông minh nhân tạo có khả năng học sâu (deep learning), có thể diễn giải được các kiểu mẫu, rồi từ đó đúc rút ra kết luận. Về cơ bản, chúng đang học cách bắt chước con người trong việc tiếp nhận thế giới xung quanh.

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cuộc sống. Ảnh: VikiTrailers.

AI đang thay đổi cuộc sống. Ảnh: VikiTrailers.

Để hiểu trí thông minh nhân tạo một cách trọn vẹn như một giao thức mang tính tri giác, trước tiên, cần hiểu rõ cấu tạo và cách hoạt động bộ não con người - mục đích cuối cùng mà AI hướng đến.

Trí não con người qua góc nhìn của máy tính

Bộ não con người, về cơ bản, có thể được coi là cỗ siêu máy tính mạnh mẽ nhất thế gian, chỉ khác là nó được làm từ các vật liệu hữu cơ thay vì nhân tạo như máy móc. Ở đó, não phải xử lý các thông tin về tri giác, tập trung vào việc nhận biết thế giới xung quanh qua ngũ quan, gồm vị giác, xúc giác, thính giác, thị giác, khứu giác. Mặt khác, não trái lại xử lý các thông tin mang tính logic.

Tri giác cung cấp các mẫu thông tin cho não phải, rồi dữ liệu tiếp tục được chuyển đến não trái để xử lý và cuối cùng đưa ra quyết định. Nói theo một nghĩa nào đó, con người có hai bộ xử lý trong đầu hoạt động cùng lúc, tạo nên một "bộ máy" hoạt động vừa dựa vào lý tính, vừa dựa vào cảm xúc.

Chính trí thông minh con người và cách con người định nghĩa thế nào là một sự vật thông minh đã hạn chế cách chúng ta nhận thức về thế giới. Để trí thông minh nhân tạo thực sự thành công, tức là trở nên hoàn thiện nhất có thể, nó trước hết phải được con người công nhận là thông minh.

Có thể giải thích những hạn chế mà con người đặt ra cho AI theo cách đơn giản như sau: Trí thông minh nhân tạo được lập trình để ra quyết định dựa trên các điều kiện nhất định. Việc học hỏi của máy tính được dựa trên các thuật toán "Nếu... thì... thực hiện việc này".

Tuy vậy, quá trình đưa quyết định từ bộ não người còn phụ thuộc vào cảm xúc. Trí thông minh về mặt cảm xúc là một phần quan trọng tạo nên trí thông minh nói chung. Đó là khả năng nhận diện tình huống, hiểu được tâm trạng và phản ứng của con người xung quanh. Để AI có thể tiến hoá và đạt được những điều này, chúng phải có khả năng tiếp nhận và xử lý dữ liệu về tri giác và cảm xúc.

Tích hợp trí thông minh cảm xúc vào AI hiện đại

Hầu hết hệ thống AI hiện đều được xây dựng trên nền tảng các thuật toán học sâu. Quá trình diễn ra theo tứ tự: thuật toán giúp phần mềm máy tính tiếp cận với hàng nghìn ví dụ, từ đó, AI phải tự học cách giải quyết các vấn đề. Công nghệ học sâu hướng tới mục đích quan trọng nhất là giúp cho máy tính trở nên thông minh.

Sau bất kỳ giai đoạn học sâu nào, AI có thể tiếp nhận những thông tin đầu vào quen thuộc hoặc tương tự những gì mình được dạy để có thể tự đưa ra quyết định. Nhờ công nghệ học sâu truyền thống, sơ đồ tư duy của AI được hình thành dựa trên việc bắt chước cách hoạt động của não phải con người. Tất cả đều dựa trên việc nhận thức thông tin có được từ giác quan, với AI là các "ngõ vào".

Công nghệ học sâu giúp máy tính có thể tự lý giải các vấn đề thông qua việc nhận diện hoàn cảnh, chứ không chỉ đơn thuần là chuyện giải quyết bài toán "Nếu... thì...". Tất nhiên, trong tình hình hiện tại, AI không thể được huấn luyện để nhận diện các tình huống phức tạp, ví dụ, phát hiện ai có tình cảm với ai. Thay vào đó, nó hướng đến việc nhận thức các vấn đề cảm tính cơ bản, chẳng hạn phía trước là một con mèo đen, một chiếc túi màu đen hay bầu trời đêm...

Hiện tại công nghệ học sâu mới đang chỉ tập trung phát triển theo một hướng nhưng dần theo thời gian, AI sẽ được "huấn luyện" để nhận thức về nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Chuyện này cũng giống như việc một đứa trẻ có thể phân biệt được màu sắc và số đếm cùng lúc. Nếu nhìn rộng ra, khi khả năng xử lý của máy tính phát triển hơn, như nhờ công nghệ điện toán lượng tử ứng dụng, việc AI có thể nhận biết giống con người hơn là hoàn toàn khả thi.

Cơ hội phát triển của AI

Công nghệ AI cao cấp sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan tới việc xử lý mẫu và thấu hiểu thế giới xung quanh con người. Thông qua đó, máy tính tạo ra các mô hình xử lý thông tin phức tạp hơn. Nôm na, AI từ một đứa trẻ mới biết đi sẽ dần phát triển thành người vị thành niên, tốt nghiệp đại học, thậm chí có thể tốt nghiệp tiến sĩ. Thời đại "chàng trai" AI trở thành "cử nhân" có thể thành tương lai không xa.


Yến Oanh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/ai-dang-tien-hoa-de-thong-minh-nhu-con-nguoi-4096441.html

  • Từ khóa