Nguy cơ gia tăng bệnh viêm não Nhật Bản ở Đắk Lắk

Thứ 4, 13.05.2020 | 14:30:49
769 lượt xem

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 2 trường bị viêm não Nhật Bản B.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 2 trường bị viêm não Nhật Bản B. Khi mắc viêm não Nhật Bản, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Tiêm chủng là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh, nhưng thực tế cho thấy, trẻ mắc viêm não Nhật Bản hầu hết là do không tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ số mũi quy định.

Thấy con gái Nay H’Đa (5 tuổi) có biểu hiện nóng sốt, cứ nghĩ con sốt bệnh thông thường như mọi khi, anh Ksơr Ló, ở buôn Bir, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk đi mua thuốc hạ sốt về cho con uống. Ba ngày sau thấy cơn sốt của con không giảm mà có dấu hiệu nặng thêm và co giật, vợ chồng anh Ksơr Ló mới đưa con đến bệnh viện. Khi nhập vào khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bé H’Đa ở trong tình trạng sốt cao liên tục, co gồng toàn thân, cổ cứng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé H’Đa dương tính với viêm não Nhật Bản.

nguy co gia tang benh viem nao nhat ban o dak lak hinh 1
Bé Nay H'Đa đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh , Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Mặc dù con gái mắc phải căn bệnh nguy hiểm, nhưng khi được hỏi về tiền sử tiêm chủng của bệnh nhân, anh Ksơr Ló chỉ lắc đầu và bảo mấy lần định cho con đi tiêm nhưng con bị ốm nên thôi. Nhìn con hôn mê nằm trên giường bệnh, trên người gắn đầy các loại máy móc, dịch truyền mà chưa biết có qua được cơn nguy kịch hay không, vợ chồng anh Ksor Ló chỉ biết rơi nước mắt ân hận.

“Tôi cảm thấy rất hối hận vì không chấp hành tiêm phòng cho con”, anh Ksơr Ló chia sẻ.

Theo bác sĩ Phùng Thị  Hồng Nhung, người trực tiếp tham gia điều trị cho bé H’Đa, hiện cháu bé vẫn đang được điều trị tích cực với sự hỗ trợ của máy thở, dịch truyền và các loại kháng sinh, song tình trạng ngày càng nặng dần, hôn mê sâu, tiên lượng rất nặng nề, nếu may mắn qua khỏi thì khả năng di chứng não rất cao. 

“Khi vào trong khoa, em bé co giật liên tục và ngừng thở nên phải hỗ trợ hô hấp, tình trạng của em bé càng ngày càng nặng dần dẫn đến hôn mê. Em bé đã được thở máy và dùng các loại thuốc kháng sinh để điều trị. Bệnh viêm não này tiên lượng rất nặng nề khả năng di chứng não cao dẫn đến bại não, nhiều trường hợp em bé không qua khỏi. Hiện tại thì vẫn đang tích cực điều trị và bé có biểu hiện đang đáp ứng. Em bé còn nằm lâu và quá trình điều trị còn rất nhiều bước”, bác sĩ Nhung thông tin.

Không riêng trường hợp của bé H’Đa, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 đến 5 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản và hầu hết các trường hợp này đều chưa từng tiêm phòng hoặc tiêm không đủ số mũi tiêm theo quy định. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với viêm não Nhật Bản. Trong đó, 1 trường hợp 5 tuổi chưa tiêm vaccine phòng bệnh và 1 trường hợp 5 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh này.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm não Nhật Bản tại địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế ở các địa phương có người mắc bệnh triển khai tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản  cho người dân; vận động nhân dân không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; phát quang bụi cây quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường và đưa con em trong độ tuổi đi tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản  theo lịch tiêm chủng.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk  cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Culex lây truyền từ các ổ chứa bệnh (thường là các động vật sống quanh nhà như: ngựa, heo, trâu bò và 1 số loài chim).

Tại Đắk Lắk, mặc dù không phải là địa bàn có bệnh lưu hành, song mỗi năm đều có các ca bệnh xuất hiện. Bất cứ lứa tuổi nào khi bị muỗi có virus viêm não Nhật Bản đốt thì đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên bệnh này hay gặp ở trẻ em lứa tuổi từ 1 đến 15 tuổi. Bệnh viêm não Nhật Bản đã có vaccine phòng bệnh, nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, những trẻ mắc bệnh này thường có bệnh cảnh nặng và nguy cơ tử vong cao (10-20%).

Những trường hợp còn sống sẽ để lại những di chứng rất nặng nề về sau như: động kinh, đần độn, liệt, không nói được… gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Bệnh này đã có vaccine phòng bệnh, do vậy vấn đề triển khai tiêm chủng đối với trẻ em là rất quan trọng. Hiện nay ở Việt Nam có 2 loại vaccine để phòng chống viêm não Nhật Bản. Loại thứ nhất là trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ bắt đầu tiêm cho trẻ từ 1 tuổi. Loại vaccine thứ hai hiện nay đang có trong các điểm tiêm chủng dịch vụ là vaccine sống giảm động lực của Pháp. Khi chúng ta tiêm như vậy thì miễn dịch thường là suốt đời”, Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí cho hay.

Có thể nói, viêm não Nhật Bản là bệnh rất nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể phòng ngừa nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh và thực hiện tiêm chủng vaccine phòng bệnh đúng liều, đúng thời gian. Bởi trên thực tế, các trường hợp trẻ mắc bệnh và tử vong hoặc biến chứng nặng đều không tiêm phòng vaccine, hoặc có tiêm nhưng không đủ liều./.


Nam Trang/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/nguy-co-gia-tang-benh-viem-nao-nhat-ban-o-dak-lak-1047995.vov

  • Từ khóa