Không nên chi gần 400 tỷ từ ngân sách để biên soạn thêm một bộ SGK

Thứ 7, 16.05.2020 | 11:41:48
587 lượt xem

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thay vì Nhà nước bỏ tiền ra làm SGK như trước kia, nên huy động các tổ chức, các chuyên gia biên soạn.

Theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho đến thời điểm này, có thể nói, chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã chứng tỏ được tính đúng đắn và Bộ GD-ĐT không nên nên chi gần 400 tỉ từ ngân sách nhà nước để biên soạn thêm một bộ SGK.

khong nen chi gan 400 ti tu ngan sach de bien soan them mot bo sgk hinh 1
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không nên tốn tiền ngân sách làm thêm 1 bộ GSK.

PV: Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về chủ trương xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK và thực tế triển khai của ngành GD-ĐT?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Đến thời điểm này có thể khẳng định, chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK đã thành công bước đầu. Hiện đã có 5 bộ SGK lớp 1 của các môn học bắt buộc và 7 quyển SGK “Làm quen với tiếng Anh” lớp 1 (môn học tự chọn) được phê duyệt.

Thời điểm xây dựng, ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, có thể Quốc hội chưa thật yên tâm về khả năng thành công của chủ trương xã hội hóa SGK, vì đây là một chủ trương mới.

Bởi thế, trong khi quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”, “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”, Nghị quyết đồng thời cũng có thêm nội dung: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Nhưng cho đến thời điểm này, thực hiện theo Nghị quyết 88, chúng ta đã có được 5 bộ SGK lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 chứng tỏ chủ trương xã hội hóa SGK đã thực sự đi vào cuộc sống và có được thành công bước đầu. Thời điểm này, các cơ sở giáo dục đã lựa chọn được bộ sách phù hợp để có thể chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020-2021.

PV: Nghị quyết 88 của Quốc hội có giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để “chủ động triển khai chương trình GDPT mới”. Tuy nhiên, trong khi xã hội hóa biên soạn SGK đang thực hiện tốt, vậy có cần thiết có thêm SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn và dùng tiền ngân sách?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Như tôi đã nói ở trên, có thể tại thời điểm xây dựng Nghị quyết 88, Quốc hội chưa thật yên tâm về chủ trương xã hội hóa nên đã giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK để “chủ động triển khai chương trình GDPT mới”. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã cho thấy, hoàn toàn có thể yên tâm về chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK. Do đó, tôi cho rằng, việc Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn thêm một bộ SGK là không còn cần thiết; không nên tốn thêm vài trăm tỷ để biên soạn thêm một bộ SGK.

Trên thực tế, cả 3 nhà xuất bản tham gia biên soạn, xuất bản SGK đều thuộc ngành Giáo dục, trong đó NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ mà Bộ là chủ sở hữu vốn nhà nước. Bộ GD-ĐT đã khuyến khích, chỉ đạo và tổ chức thẩm định chất lượng của tất cả các bộ SGK. Do đó, có thể nói cả 5 bộ SGK đều là sách của Bộ, không cần làm thêm một bộ sách nữa.

Theo tôi, trong kỳ họp sắp tới, căn cứ đề nghị của Chính phủ, Quốc hội nên khẳng định chủ trương không làm thêm một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước. Thậm chí, việc thúc đẩy xã hội hóa thành công, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 400 tỉ đồng còn là một kết quả đáng hoan nghênh. Trong trường hợp cần thiết thì để cuối năm nêu rõ ý kiến Quốc hội trong Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội.

PV: Chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã bước đầu thành công, mang đến các SGK có chất lượng và đa dạng cho học sinh, giáo viên, tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận; theo ông, có nên tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa biên soạn SGK?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Ở cả nước trước năm 1957 và ở miền Nam Việt Nam trước 1975, chúng ta đều thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Khi đó, có nhiều SGK do các tổ chức, cá nhân khác nhau viết. Giáo viên có thể tham khảo nhiều SGK để xây dựng bài dạy trên lớp. Việc thực hiện xã hội hóa trong biên soạn SGK cũng được thực hiện ở các nước phát triển liên tục nhiều năm qua.

Tôi đã đến Vương quốc Anh và một số nước, trên giá sách của mỗi học sinh trong lớp đều có vài ba bộ SGK. Tôi mong tương lai chúng ta cũng sẽ làm như vậy, để giáo viên và học sinh có nhiều nguồn học liệu khác nhau hỗ trợ việc giảng dạy, học tập. Giáo viên nước ngoài không dạy theo một quyển SGK nhất định nào mà chọn bài phù hợp ở những quyển SGK khác nhau cho học sinh học. Nhiều giáo viên chỉ tham khảo SGK để tự biên soạn tài liệu dạy học của mình. Tôi cho rằng, như thế mới thực sự là “một chương trình, nhiều SGK”.

Có thể thấy nhiều lợi ích từ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Trước hết, cách làm này giúp huy động được trí lực, vật lực, tài lực của xã hội để nâng cao chất lượng SGK; đồng thời tiết kiệm nhiều cho ngân sách Nhà nước. Thay vì Nhà nước bỏ tiền ra làm SGK như trước kia, nay chúng ta huy động được các tổ chức và đông đảo chuyên gia tham gia biên soạn SGK.

Sự cạnh tranh giữa các bộ sách cũng sẽ tạo một cuộc đua giữa các nhóm tác giả, các nhà xuất bản – và đó là yếu tố quan trọng để mỗi tổ chức, cá nhân biên soạn SGK dồn nhiều tâm huyết hơn để nâng cao chất lượng bộ sách của mình. Đó là điểm thuận lợi thấy rõ của chủ trương này.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta thực hiện triệt để hơn chủ trương xã hội hóa theo Nghị quyết 88 thì hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa.

Xin  cảm ơn Giáo sư!/.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-nen-chi-gan-400-ty-tu-ngan-sach-de-bien-soan-them-mot-bo-sgk-1049030.vov

  • Từ khóa