Mỗi ngày, các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giết mổ hàng trăm con gia súc, gia cầm. Đây đều là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hoạt động theo quy mô hộ gia đình. Chính vì không có lò mổ tập trung nên việc kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn, trên địa bàn có 58 điểm giết mổ gia súc, gia cầm gồm: 20 hộ giết mổ lợn; 2 hộ giết mổ trâu, bò; 34 hộ giết mổ gia cầm; 2 hộ giết mổ dê.
Ông Lý Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn cho biết: Đa số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện theo quy định, dẫn đến việc quản lý đàn vật nuôi nhập về rất khó. Các hộ tự mua gia súc các nơi về giết mổ tại nhà rồi cung cấp sản phẩm cho các chợ trên địa bàn thành phố. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác khắp các xã, phường, trong khu dân cư. Đa số các hộ vừa giết mổ gia súc tại nhà, vừa tự bán thịt tại các chợ. Thực tế, do hoạt động giết mổ thường diễn ra từ 4 giờ đến 6 giờ hằng sáng, thời gian lại thường trùng nhau nên rất khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát. Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y làm công tác kiểm soát giết mổ còn mỏng nên chỉ kiểm phẩm, lăn dấu thịt tại các chợ trước khi sản phẩm được lưu thông chứ chưa quản lý được tận gốc đầu mối cung cấp gia súc và đầu mối phân phối sản phẩm từ gia súc.
Một hộ giết mổ và bán thịt tại nhà ở đường Bắc Sơn, phường Hoàng văn Thụ
Chị Đàm Thị Quyên, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trung bình mỗi ngày, gia đình giết mổ 3 con lợn. Từ trước đến nay, gia đình chủ yếu đi bắt lợn tại các hộ dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các xã lân cận. Do trên địa bàn chưa có lò mổ tập trung nên gia đình đã tự xây dựng lò mổ để đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho các đầu mối. Gia đình luôn đảm bảo điều kiện về nguồn gốc lợn. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ được thực hiện thường xuyên, đảm bảo các quy định. Nếu thành phố xây dựng được lò mổ tập trung, gia đình sẽ tham gia giết mổ gia súc tại đó.
Theo ông Lý Minh Hải, thành phố Lạng Sơn có số lượng điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được lò giết mổ tập trung nên việc quản lý rất khó khăn. Hằng ngày, chúng tôi cử nhân viên thực hiện kiểm tra đúng theo quy trình trước, trong và sau khi giết mổ. Đồng thời, cử nhân viên phụ trách địa bàn cùng với lực lượng thú y cơ sở thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các hộ phải nhập gia súc khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ. Trung bình mỗi tháng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố kiểm phẩm khoảng 2.130 con lợn; 6.600 con gia cầm; 97 con trâu, bò. Nhưng do các điểm giết mổ nhỏ lẻ nên việc kiểm tra rất khó khăn.
Trước năm 2017, thành phố Lạng Sơn đã có đề án xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm ở xã Quảng Lạc nhưng vì lò giết mổ gần khu dân cư nên không thực hiện được. Đến năm 2018, thành phố tiếp tục xây dựng đề án xây dựng lò mổ ở 2 điểm: Nà Pàn (Hoàng Đồng) và Quảng Tiến 2 (xã Quảng Lạc) nhưng không tìm được nhà đầu tư do địa điểm xây lò mổ xa đường, điện và nguồn nước, nhà đầu tư lo ngại đầu tư không có lãi. Hiện nay, Trung tâm tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tiếp tục kiến nghị, tham mưu với UBND thành phố Lạng Sơn kêu gọi nhà đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung để kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tìm quỹ đất vẫn là khó khăn lớn đối với thành phố.
VĂN HƯƠNG/baolangson.vn
http://baolangson.vn/kinh-te/287626-giet-mo-gia-suc-gia-cam-o-thanh-pho-lang-son-kho-kiem-soat.html