Mới chỉ bước vào đầu hè năm 2020 nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều tai nạn đuối nước thương tâm, nạn nhân thường là trẻ nhỏ. Thực trạng đó gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý học sinh, trẻ em từ phía nhà trường, gia đình và xã hội.
Từ đầu tháng 5/2020 đến nay, trên địa bàn huyện Tràng Định đã xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước. Thương tâm nhất là vụ đuối nước xảy ra 6/5/2020 làm 2 học sinh tử vong. Theo lời kể của người dân, hôm đó trời nắng nóng, 8 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Đoàn Kết rủ nhau ra bờ suối nghịch nước. Trong lúc chơi đùa, chẳng may có 4 em trượt chân xuống suối, bị dòng nước cuốn trôi, may mắn có 2 em thoát được lên bờ còn 2 em đã bị dòng nước cuốn dẫn đến tử vong. Trên địa bàn huyện Văn Lãng cũng xảy ra một vụ đuối nước vào ngày 13/5/2020 khiến cháu L.M.C, sinh năm 2012 tử vong. Được biết, ngày hôm đó, cháu C cùng bố vào khu trang trại của gia đình ở thôn Pò Hà, xã Trùng Khánh. Trang trại có ao sâu, rộng chừng hơn 1.000 m2, do sơ suất trong lúc chơi đùa, cháu C rơi xuống ao, bị đuối nước dẫn tới tử vong.
Trẻ em trên địa bàn thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn tham gia lớp học bơi, phòng chống đuối nước trong dịp hè năm 2019
Đây chỉ là 2 trong số những vụ đuối nước thương tâm xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay. Qua tổng hợp từ cơ quan chức năng, nếu như năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ đuối nước khiến 8 trẻ tử vong, thì từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ đuối nước khiến 7 trẻ tử vong; riêng trong tháng 5/2020 là 3 vụ, khiến 4 trẻ thiệt mạng. Nguyên nhân của tình trạng này là do: mật độ sông, suối, ao hồ trên địa bàn tương đối dày đặc; hệ thống biển cảnh báo, rào chắn chưa phủ rộng được hết; việc trẻ nhỏ đến những địa điểm này tắm, chơi đùa trong dịp nắng nóng thường là tự phát, không có người lớn đi cùng để bảo vệ; một phần do trẻ chưa có các kỹ năng an toàn, chưa biết bơi. Hơn nữa, nhà trường, gia đình còn thiếu sát sao trong quản lý học sinh, con em mình…
Lực lượng chức năng tìm thấy nạn nhân bị đuối nước tại đập Nà Tâm, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn
Được biết trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tại nạn đuối nước. Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tuyên truyền được 9 cuộc cho gần 10.000 người dân, học sinh tham dự; mở được 10 lớp dạy bơi cho trẻ em tại các huyện, thành phố; lắp đặt nhiều biển cảnh báo nguy hiểm tại những nơi có nguy cơ cao… Ông Đinh Quang Chí, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Mặc dù đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, phòng, chống đuối nước song do nguyên nhân khách quan, chủ quan mà tình trạng tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, để phòng, chống đuối nước xảy ra, quan trọng nhất là các gia đình cần thường xuyên quan tâm, giám sát chặt chẽ con em mình, đặc biệt là trong thời điểm mùa nắng nóng, mùa mưa bão. Các gia đình, nhà trường cần tăng cường phối hợp trong giáo dục, trang bị các kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước. Các cấp, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống đuối nước; bố trí kịp thời hệ thống cảnh báo, rào chắn tại những nơi nguy hiểm ở các ao, hồ, sông, suối.
Thầy Trương Đức Anh, giáo viên bộ môn thể dục Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới nhà trường tiếp tục quan tâm dạy bơi cho học sinh nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết để các em vận dụng khi gặp sự cố trong môi trường nước. Đồng thời khuyến cáo các em không đi tắm ở khu vực vắng vẻ tại sông, suối, ao, hồ khi không có người lớn bảo vệ; không chơi gần những khu vực có biển báo cấm…
Từ thực tế trên cho thấy, để phòng, chống đuối nước hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng thì cần hơn nữa sự quan tâm giáo dục từ phía nhà trường, công tác dạy dỗ và quản lý con em của từ phía phụ huynh.
HOÀNG HUẤN - HOÀNG TÙNG/baolangson.vn
http://baolangson.vn/xa-hoi/288137-canh-bao-tai-nan-duoi-nuoc-mua-nang-nong.html