Hôm qua (21/5), Chính quyền Palestine (PA) đã chính thức chấm dứt thỏa thuận hợp tác an ninh với Israel.
Đây là động thái nhằm đáp trả kế hoạch của Israel muốn sáp nhập một số khu vực ở Bờ Tây vào lãnh thổ nước này sau ngày 1/7. Quyết định của Palestine có thể là bước đi cuối cùng "khai tử” tiến trình hòa bình Trung Đông, vốn đang gặp bế tắc trong thời gian dài.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (trái) và Thủ tướng PA Mohammad Shtayyeh tại một cuộc họp của lãnh đạo Palestine ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây, ngày 19/5/2020. Ảnh: Time of Israel. |
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thông báo, việc Israel sáp nhập Bờ Tây sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi hợp tác an ninh.
Theo ông Abbas, kế hoạch sáp nhập cho thấy Israel không còn muốn tuân thủ các thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Vì vậy, Chính quyền Palestine cũng sẽ miễn hoàn toàn trách nhiệm trong mọi thỏa thuận và biên bản ghi nhớ với Chính phủ Mỹ và Israel, mọi nghĩa vụ trong các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ này, bao gồm cả các thỏa thuận an ninh.
Giới chức Palestine nhấn mạnh việc sáp nhập sẽ đặt dấu chấm hết cho các hy vọng về cái gọi là giải pháp hai nhà nước.
Phía Israel cũng đã lên tiếng xác nhận quyết định của Palestine. Giới chức quốc phòng Israel cảnh báo, quyết định ngừng hợp tác giữa hai bên có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng bạo lực và các vụ đụng độ giữa binh lính Israelvới người Palestine.
Lo ngại trước những nguy cơ xung đột bất ổn ở khu vực, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối kế hoạch mới nhất của Israel. Các nước cho rằng, việc Israel sáp nhập lãnh thổ chiếm đóng không chỉ phá hỏng nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình, đẩy lùi triển vọng đạt được giải pháp hai nhà nước, mà còn gây bất ổn an ninh khu vực.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo: “Trong vài ngày qua, chúng tôi đã tổ chức một số cuộc hội nghị video với các Ngoại trưởng Italia, Đức, Tây Ban Nha và các quốc gia thành viên khác như Luxembourg, Ireland. Quan điểm chung của chúng tôi là việc Israel sát nhập Bờ Tây là một sự vi phạm nghiêm trọng, biện minh cho việc chiếm đóng lãnh thổ bằng vũ lực. Đây là một hành động không thể chấp nhận được, đe dọa giải pháp 2 nhà nước và tìm kiếm một nền hòa bình bền vững tại Trung Đông”.
Dư luận trong khu vực cũng đang nóng theo các diễn tiến trong quan hệ của hai bên. Thậm chí, ngày hôm qua (21/5), Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố, nước này sẽ "hỗ trợ và giúp đỡ bất kỳ quốc gia, bất kỳ tổ chức nào ở bất cứ đâu" chống lại Israel.
Theo các nhà phân tích, nguy cơ xung đột là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh các vụ bạo lực nổ ra thường xuyên tại các vùng lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng, cùng với tình trạng kinh tế, xã hội khó khăn, hệ thống y tế yếu kém, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại Palestine. Hiện cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt hành động đơn phương để tạo cơ hội mở cánh cửa đàm phán với Palestine./.
Vũ Anh Tuấn/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/hoa-binh-trung-dong-dung-truoc-thach-thuc-nghiem-trong-1051255.vov