Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở đang đặt ra nhiều dấu hỏi về toan tính của cường quốc này.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Hiệp ước Bầu trời Mở (Open Skies Treaty - OST, hay Treaty on Open Skies) gồm 35 thành viên, có hiệu lực từ năm 2002, cho phép các bên tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát phi vũ trang trên lãnh thổ của nhau để thu thập thông tin về các hoạt động quân sự, song song với Tài liệu Vienna về các biện pháp củng cố lòng tin và an ninh năm 2011, giúp theo dõi các cuộc tấn công quân sự hoặc cảnh báo về một cuộc tấn công bất ngờ.
OST là một trong những biện pháp minh bạch quân sự và củng cố lòng tin; Nguồn: thebulletin.org |
Tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau… bằng cách cho phép tất cả các bên tham gia, bất kể quy mô, vai trò trực tiếp thu thập thông tin qua hình ảnh trên không về các lực lượng quân sự và các hoạt động liên quan, cho đến nay, OST là một trong những nỗ lực quốc tế rộng lớn nhất hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có hoặc trong tương lai, mở rộng khả năng ngăn chặn khủng hoảng và quản lý các tình huống khủng hoảng.
Ngày 21/5/2020, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi OST. Đây sẽ là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà ông Trump rút khỏi kể từ khi nhậm chức, sau Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988.
Việc Mỹ rút khỏi OST không chỉ làm xói mòn nền tảng an ninh châu Âu mà còn đe dọa lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh Mỹ, cũng như tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới với những hậu quả khó tiên lượng. Nhiều chính khách Mỹ và quốc tế cho rằng, động thái của Trump là “cú tát vào mặt” các đồng minh châu Âu và là “một sự vi phạm trắng trợn luật pháp” khi Quốc hội không hề được tham vấn theo như quy định trong Đạo luật về Quyền hạn Quốc phòng.
Lý do Mỹ không nên rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Trên trang popularmechanics, tác giả Kyle Mizokami nhận định, rút khỏi OST là một ý tưởng tồi, gây “tổn hại cho cả lợi ích an ninh của Mỹ và đồng minh”. Giá trị thực sự của hiệp ước đối với một quốc gia như Nga hay Mỹ nằm ở tính biểu tượng.
Cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, Mỹ quyết định rút khỏi OST; Nguồn: thebulletin.org |
OST là một biểu tượng hợp tác giữa hai quốc gia không tin tưởng nhau và ở khía cạnh đó, là một hành vi đáng được hoan nghênh. Nó cũng là một cơ chế làm dịu - hành động cho phép một kẻ thù tiềm năng bay qua lãnh thổ của mình là một dấu hiệu rõ ràng và làm cho thế giới yên tâm rằng căng thẳng giữa hai nước không nghiêm trọng.
Việc Washington rời khỏi hiệp ước sẽ không tốt cho mối quan hệ Mỹ-Nga và nó sẽ gửi tín hiệu xấu đến phần còn lại của thế giới là hai nước đang ngày càng xa cách. Nó cũng sẽ khiến Washington gặp bất lợi ở châu Âu: nếu Mỹ rời bỏ hiệp ước, Nga có thể tiếp tục bay quan sát các căn cứ của Mỹ ở châu Âu mà không có bất kỳ hoạt động đối ứng nào từ phía Mỹ. Làm sao mà một tình huống như vậy sẽ là một sự cải thiện so với hiện tại là điều không thể giải thích được bởi những người thúc đẩy rút khỏi hiệp ước.
Trong bài “Năm lý do tại sao Mỹ không nên rút khỏi OST” trên thebulletin, chuyên gia Anna Péczeli viết, từ khi OST có hiệu lực, các nước tham gia đã thực hiện hơn 1.500 chuyến bay và có quan sát viên nhiều quốc gia. Mặc dù sự “không tuân thủ” của Nga đang gây phiền hà và đáng bị chỉ trích, nhưng điều đó không có nghĩa là hiệp ước đã mất giá trị đối với Mỹ.
Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã kết luận rằng, các hạn chế của Nga không ngăn cản tình báo Mỹ thu thập thông tin các khu vực mật. Hơn nữa, việc thực thi hiệp ước tiếp tục mang lại lợi ích bằng cách hỗ trợ trực tiếp các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ ở châu Âu.
Hiệp ước giúp Mỹ giám sát các hoạt động quân sự của Nga. Trong giai đoạn 2002-2016, Mỹ đã thực hiện 196 chuyến bay quan sát lãnh thổ Nga, trong khi Nga chỉ thực hiện 71 chuyến bay quan sát lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, Mỹ có quyền truy cập thông tin từ các chuyến bay do các đồng minh của Mỹ thực hiện ở Nga, lên tới hơn 500 chuyến bay quan sát kể từ năm 2002.
Thông tin có được thông qua các chuyến bay này đã được chứng minh là rất quan trọng trong việc nhận định các hoạt động của Nga ở Georgia và Ukraine bằng cách khám phá sự thật quan trọng trên mặt đất làm suy yếu các nỗ lực tạo thông tin giả của Nga.
Hiệp ước rất quan trọng đối với các đồng minh của Mỹ và nó đóng góp cho an ninh châu Âu. OST cung cấp cho các quốc gia châu Âu nhỏ không có khả năng về vệ tinh tiên tiến một công cụ rất quan trọng để giám sát các nước láng giềng hùng mạnh của họ, đặc biệt là Nga, và hoạch định các hoạt động quân sự của mình. Hiệp ước có giá trị quân sự thực sự trong việc bảo vệ các phương pháp thu thập thông tin tình báo của Mỹ và là một nguồn thông tin tình báo có giá trị, dễ chia sẻ giữa các quốc gia.
Theo New York Times, Mỹ thường không chia sẻ dữ liệu từ các vệ tinh hoặc tài sản khác vì họ muốn bảo vệ các phương thức thu thập thông tin tình báo của riêng mình (và ngay cả khi chia sẻ thông tin, thủ tục công tác bảo mật có thể rất dài). Đổi lại, OST tạo ra các cơ chế rõ ràng để chia sẻ dữ liệu từ các chuyến bay quan sát, làm cho luồng thông tin trôi chảy và nhanh hơn nhiều. Nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, Washington vẫn có thể chia sẻ thông tin với Ukraine, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn và sẽ có nguy cơ tiết lộ các nguồn và phương pháp tình báo của Mỹ.
Việc Mỹ rút khỏi OST đang đặt ra nhiều dấu hỏi về toan tính của cường quốc này; Nguồn: wikipedia.org |
OST không mang lại cho Nga một lợi thế không công bằng, như những người chống hiệp ước tuyên bố. Những người ủng hộ Mỹ rút khỏi OST tuyên bố rằng Nga đã đạt được một lợi thế không công bằng thông qua hiệp ước và họ thường đưa ra lập luận này với hai lý do.
Họ cho rằng các chuyến bay là một yếu tố quan trọng trong các biện pháp tình báo Nga hướng vào Mỹ và họ sợ rằng với thiết bị quang học tốt hơn trên máy bay của mình, Nga có thể sử dụng dữ liệu hiệp ước để khắc phục điểm yếu trong giám sát vệ tinh; và việc bị tụt lại phía sau trong việc kết hợp công nghệ này trên máy bay OST khiến Mỹ gặp bất lợi.
Việc rút khỏi hiệp ước sẽ làm xấu thêm hồ sơ về kiểm soát vũ khí của Mỹ. Lý do cuối cùng tại sao Mỹ nên tiếp tục thực thi OST là sự liên quan của thỏa thuận với bối cảnh kiểm soát vũ khí tổng thể. Trước khi đưa ra quyết định như vậy, Nhà Trắng nên xem xét các tác động tiềm tàng của việc rút khỏi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác. Sự suy yếu của kiến trúc kiểm soát vũ khí có thể làm suy yếu việc thực thi các thỏa thuận còn lại, như Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân hoặc Thỏa thuận START mới, tiếp tục phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Điều này sẽ đặt chính quyền Trump vào một vị trí thậm chí không thuận lợi hơn trước Hội nghị Đánh giá không chạy đua vũ trang năm 2020, nơi Mỹ và các quốc gia hạt nhân khác dự kiến sẽ thể hiện cam kết tiếp tục giải trừ vũ khí toàn cầu.
Quan trọng hơn, việc rút khỏi OST cũng sẽ làm trầm trọng thêm quan điểm của quốc tế về hồ sơ kiểm soát vũ khí của chính quyền Trump. Trong lĩnh vực này, việc đàm phán các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai với Trung Quốc, Iran, Triều Tiên hay Nga, tất cả các ưu tiên đã nêu của Trump, sẽ trở nên khó khăn hơn.
Nga khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để cứu vãn OST - một trong số ít trụ cột kiểm soát vũ trang toàn cầu; Nguồn: thedrive.com |
Còn theo chuyên gia Thomas Gaulkin cũng trên trang thebulletin, hậu quả thực tế đối với việc Mỹ rút khỏi OST sẽ ít nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn, chỉ là kết thúc các chuyến bay chung trên máy bay Mỹ. Nhưng một số quốc gia châu Âu có máy bay được trang bị cho các chuyến bay theo hiệp ước và được các quốc gia khác thuê để bay và gần đây, Đức đã mua một chiếc máy bay Airbus A319 được sửa đổi đặc biệt cho các chuyến bay quan sát.
Tuy nhiên, hậu quả lâu dài có thể nghiêm trọng hơn. Ngoài việc mất đi một cơ chế quan trọng để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia ngày càng đối kháng, một số chuyên gia suy đoán rằng những người chống lại chế độ kiểm soát vũ khí hiện tại sẽ sử dụng việc rút khỏi OST để biện minh cho việc rút khỏi START III với lý do thanh sát START III sẽ bị cản trở nếu không có thông tin tình báo được thu thập thông qua OST.
Bài trên thebulletin kết luận, nhìn chung, lợi ích của thỏa thuận vượt xa các tác động tiêu cực của sự không tuân thủ của Nga. Hiệp ước này là một biện pháp xây dựng lòng tin và minh bạch quan trọng đối với nhiều đồng minh và đối tác ở châu Âu, và nó giúp Mỹ chống lại sự xâm lược của Nga trong không gian hậu Xô viết. Quyết định của Mỹ rời bỏ hiệp ước sẽ chỉ làm suy yếu hình ảnh của Washington với tư cách là một đối tác đáng tin cậy và nó sẽ khiến các thỏa thuận kiểm soát vũ khí ít có khả năng thành công trong tương lai./.
CTV Lê Ngọc/VOV.VN