Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng

Thứ 2, 01.06.2020 | 15:04:02
682 lượt xem

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh.

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp. Sự phát triển đa dạng các thiết bị kết nối, nền tảng mạng xã hội và ứng dụng di động đã tạo nên thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của con người và trẻ em không phải là ngoại lệ.

bao ve va ho tro tre em tuong tac lanh manh tren moi truong mang hinh 1
Trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng. Ảnh minh họa, nguồn: KT

Khi tham gia môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro về bắt nạt, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp, nguy cơ nghiện Internet/game trực tuyến, mạng xã hội, xâm hại tình dục...

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại các em.

 “Bây giờ cháu đang sử dụng, facebook, cháu thấy là trên đó có nhiều nội dung phản cảm được đưa lên. Hiện nay cll một số bạn chưa biết cách sử dụng an toàn mạng, cho nên dẫn đến nhiều vấn đề như bạo  lực, xâm hại trên mạng. Có nhiều bạn cả tin, chưa biết được những vấn đề trên mạng nên dễ bị lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo. Khi một người đăng tải nội dung phản cảm llên thì cần được xóa bỏ ngay để không phán tán ra những tài khoản khác”, đó là chia sẻ của em Nguyễn Hoàng Yến, học sinh lớp 9, một trường THCS TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Còn em Nguyễn Kiều Trang, học sinh lớp 9 ở TP Lào Cai cho biết, em thấy càng ngày càng có nhiều trang web xấu có thể lừa đảo và có thể bắt cóc trẻ em. Khi con vào trang web học tập thì con có thấy những đường link của trang web xấu hay những đoạn quảng cáo có chèn vào trong trang web học tập của con.

“Con mong muốn các cô bác lãnh đạo có thể có những lớp giáo dục cho chúng con để có thể học kỹ năng cho bản thân, tránh xa các trang web xấu. Đồng thời, mong các cô bác lãnh đạo xử lý nghiêm những đối tượng đăng tải những trang web xấu lên mạng”, em Trang nói.

Đây chỉ là 2 trong hàng nghìn học sinh từng tiếp xúc với trang web có nội dung phản cảm hoặc bị bắt nạt trên mạng.

Theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), hơn 66% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trong đó, hơn 43% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng  trong ngày.

bao ve va ho tro tre em tuong tac lanh manh tren moi truong mang hinh 2
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không phải cấm hay hạn chế các em kết nối mạng internet mà cần có giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh.

Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 706 nghìn vụ báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng; đứng thứ 02 trong ASEAN, sau Indonesia . Những thống kê, số liệu kể trên đã và đang làm nhức nhối các cơ quan chức năng, người làm cha mẹ và đội ngũ giáo viên trong cả nước.

Mặc dù quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đề cập tại Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018... tuy nhiên còn thiếu rất nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta làm trong cuộc sống thực.

Trong khi đó, bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ, lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng…

Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết, trong thời buổi công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, không thể ngăn chặn trẻ em tiếp cận không gian mạng, do đó việc ngăn chặn các web site xấu độc là điều cần làm và phải làm được.

“Chúng ta phải có biện pháp phòng ngừa và điều này chúng ta đã làm, đây là hình thức loại bỏ cái xấu ra khỏi xã hội thôi. Về hình thức chặn này hoàn toàn chúng ta có thể làm nếu Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông. Tất nhiên chúng ta phải mất sức người, sức của, rà soát thường xuyên những web site độc xấu, có hình ảnh khiêu dâm…thì chúng ta có thể chặn các rải IP đó, có thể xuất phát từ nước ngoài, có thể ở Việt Nam, chặn các tên miền, rải IP để các em không có điều kiện để tiếp cận các web site đó nữa”, Đại tá Phan Mạnh Trường nói.

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách Mạng xã hội Tik Tok, mạng xã hội là môi trường trẻ em tiếp cận nhiều nhất, sớm nhất và tác động đa chiều nhất. Do đó, các kênh có nhiều trẻ em sử dụng nhất như facebook, youtube, tik tok cần đồng hành, triển khai các chiến dịch truyền thông 2 chủ đề quan trọng, đó là nâng cao kỹ năng sống và phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đề xuất giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng, việc kiểm soát chặt chẽ lứa tuổi được tham gia mạng xã hội là vô cùng cần thiết:

 “Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Hiệp hội liên quan đến internet và cố gắng thay đổi bộ quy tắc giữa người dùng với nhà mạng tại Việt Nam và phù hợp với pháp luật và đạo đức để từ đó xây dựng một quy trình kiểm duyệt riêng cho Việt Nam. Trên Tik TokTok, chúng tôi tiền kiểm, quyết định cài đặt thêm chức năng kiểm soát tuổi và cái này bắt buộc phải làm. Một vấn đề nữa là các nhà mạng phải có chương trình nâng cao kỹ năng sống trên môi trường mạng, điều này đang rất thiếu”, ông Lâm cho hay.

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo ông Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông, cần có các giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.

Kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ chung tay tham gia phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng một cách tích cực.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa kỹ năng số vào trường học. Kỹ năng số là một nội hàm rất rộng, không phải chỉ có câu chuyện là để bảo vệ trẻ em. Hiện nay, chúng tôi cũng đang giao cho một số đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo để bàn tính chuyện này, trong đó có vai trò của truyền thông, vai trò của nhà trường, vai trò của gia đình. Hiện nay có rất nhiều việc Việt Nam đang muốn làm tốt nhưng còn tranh cãi với nhau, việc tham khảo các mô hình quốc tế là cách làm tốt, không phải cái gì cũng phải đưa vào luật, có những cái thuộc về những cách làm hay những kinh nghiệm tốt giúp cho chúng ta rút ngắn thời gian giảm thiểu chi phí và đạt được kết quả tốt hơn”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Để trẻ em được thụ hưởng các quyền chính đáng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các ngành, địa phương triển khai “Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hột kiến nghị: “Thứ nhất, các hoạt động truyền thông giáo dục pháp luật làm sao hướng đến mục tiêu quan trọng, chúng ta sử dụng nhiều kênh truyền thông giáo dục, trong đó quan trọng nhất là sử dụng chính môi trường mạng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bằng các nội dung mà các giải pháp kỹ thuật. Thứ hai nữa, chúng ta đặt ra mục tiêu làm sao để trong sạch môi trường mạng, phù hợp với trẻ em và người chưa thành niên cũng giống như khuyến nghị của trẻ em trong Diễn đàn trẻ thế giới, đó là một môi trường mạng hoàn toàn phù hợp với tất cả”.

Tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ em là điều cần phải làm ngay, ttuy nhiên, để thiết lập được hàng rào bảo vệ trẻ em trên mạng không phải là điều dễ dàng. Nguy cơ trẻ bị xâm hại, lạm dụng và bắt nạt vẫn hiện hữu, cấm đoán không phải là giải pháp mà điều cần làm lúc này là nhà trường, gia đình cần chú trọng trang bị những kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ.…/.


Kim Thanh/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/bao-ve-va-ho-tro-tre-em-tuong-tac-lanh-manh-tren-moi-truong-mang-1054391.vov

  • Từ khóa