Cảnh báo tình trạng rắn độc cắn: Người dân cần đề cao cảnh giác

Thứ 2, 01.06.2020 | 15:04:23
1,089 lượt xem

Hiện nay, đang bước vào mùa sinh sản của rắn nên chúng đi săn mồi nhiều hơn, cùng với đó, thời tiết mưa nhiều, các loại rắn độc thường tìm nơi khô ráo để trú ngụ. Chúng thường tấn công để tự vệ khi phải đụng độ với con người.

Đó là nguyên nhân số người bị rắn cắn phải nhập viện điều trị có chiều hướng tăng. Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác để hạn chế thấp nhất bị rắn độc cắn.

Gia tăng các trường hợp bị rắn độc cắn

Những ngày cuối tháng 5/2020, có mặt tại Khoa Hồi sức – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự bận rộn của y, bác sỹ tại đây. Bởi đa số các bệnh nhân đang điều trị đều trong tình trạng nặng, trong số đó có các bệnh nhân bị rắn độc cắn, có người phải cắt bỏ chân, tay, chạy máy thở nhân tạo…

Bệnh nhân bị rắn độc cắn phải cắt bỏ ngón chân cái đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Đơn cử như trường hợp ông Chu Quang Ngôn (89 tuổi), tổ 1, khối 7, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, bị rắn lục cắn vào đầu tháng 5 vừa qua. Chị Chu Thị Minh (con gái ruột ông Ngôn) cho biết: Bố tôi có thói quen dậy sớm đi thể dục buổi sáng. Hôm bị rắn cắn, ông vừa ra khỏi nhà thấy có đống lá mít giữa đường nên ông khua chân vào chẳng may bị rắn lục cắn vào ngón cái chân phải. Do chủ quan nên ông vẫn tiếp tục đi bộ gần 30 phút sau mới về nhà và ăn sáng bình thường. Khi thấy đầu choáng váng, đau buốt ở vết rắn cắn, ông mới nói với người nhà và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cấp cứu. Tại đây, bác sỹ chỉ định phải cắt bỏ ngón chân cái để giữ tính mạng cho ông. Tiếp đó, ông được chuyển đến Khoa Hồi sức – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị tích cực. Đến nay, ông đã hồi phục nhưng vẫn phải nằm viện để theo dõi sức khỏe.

Không riêng trường hợp ông Ngôn, theo số liệu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, riêng trong tháng 5/2020, đã có 5 trường hợp bị rắn độc cắn, phải điều trị tích cực mới giữ được tính mạng. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, cấp cứu, điều trị 9 trường hợp bị rắn độc cắn, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019.

Người dân hết sức cảnh giác

Bác sỹ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân bị rắn độc cắn là cứ loay hoay tại nhà, tự chữa bằng những kinh nghiệm, bài thuốc dân gian, chỉ đến bệnh viên khi người bệnh có các biểu hiện của suy hô hấp như: tím tái, co cơ, khó thở, hoại tử… Chính sự chủ quan này rất nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những biến chứng nặng, dị tật đối với cơ thể con người sau khi bị rắn cắn.

Theo khuyến cáo ngành y tế, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9 trong năm là thời gian rắn sinh sản. Thời tiết mưa nhiều nên rắn tìm các chỗ thoáng mát trú ẩn và đi kiếm mồi nhiều hơn. Do đó, người dân cảnh giác khi đi chân đất vào rừng, đi đường có nhiều cỏ dại, không nên ngủ dưới đất vì rắn hay đi lại. Không nên lật các tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây gỗ bị đổ vì đây thường là nơi trú ẩn của rắn.

Nếu bị rắn cắn, cần xác định được đó là rắn có nọc độc hay không có nọc độc cắn. Nếu là rắn độc cắn thì thường có các biểu hiện như: đau buốt, sưng tấy đỏ và bầm tím, lan ra xung quanh vết rắn cắn; buồn nôn, tiêu chảy, sưng môi, lưỡi và nướu; bệnh nhân khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu và nhịp tim không đều. Nếu là rắn không có nọc độc cắn thì tại vết rắn cắn thấy 2 hàm răng với những chấm nhỏ, có hình vòng tròn và không có vết răng nanh của rắn.

Theo bác sỹ Nguyễn Thành Đô, sau khi bị rắn độc cắn, người dân cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước sạch để hạn chế nọc độc của rắn xâm nhập vào cơ thể. Sau đó nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Đặc biệt, cần xác định được rõ loại rắn nào cắn để báo bác sỹ có phương pháp cấp cứu kịp thời và hiệu quả nhất.


ĐĂNG THÙY/baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/suc-khoe/290327-canh-bao-tinh-trang-ran-doc-can-nguoi-dan-can-de-cao-canh-giac.html


  • Từ khóa