Để không có công nhân bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng dịch Covid-19

Thứ 3, 02.06.2020 | 08:14:03
493 lượt xem

Theo Sở Lao động– Thương binh và Xã hội TPHCM, dưới tác động của đại dịch Covid-19, gần 75% doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Mặc dù Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch Covid-19, song đời sống nhiều người lao động đang bị tác động nặng nề, đặc biệt là công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường các nước có dịch. Việc kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người lao động của các ngành chức năng sẽ giúp người lao động vượt qua thời điểm đầy thử thách này.

de khong co cong nhan bi bo lai phia sau do anh huong dich covid-19 hinh 1
May mặc là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại KCX Tân Thuận do thiếu nguyên liệu sản xuất. (Ảnh: Báo Đầu Tư).

Mới tuần trước, Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong có trụ sở tại quận Gò Vấp, TPHCM vừa phải cắt giảm hơn 2.200 công nhân lao động do bị khách hàng hủy hợp đồng, phải thu hẹp sản xuất. Công ty đã nhanh chóng thông báo đến các ban ngành liên quan và thực hiện trả trợ cấp mất việc làm cho những công nhân lao động làm việc cho công ty từ năm 2008 trở về trước với tổng số tiền gần 53 tỉ đồng.

Công ty này cũng trả lương đầy đủ cho công nhân lao động trong thời gian thông báo trước 30 ngày, từ 16/5 đến 15/6, với tổng số tiền là 15,7 tỉ đồng. Hơn một tuần nay, công ty Huê Phong đang tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường, duy trì sản xuất để những công nhân ở lại làm việc có thu nhập.

Các ngành chức năng của TPHCM cũng đã vào cuộc để hỗ trợ công nhân có thêm việc làm và thu nhập sau khi mất việc. Hiện hàng ngàn công nhân đang dần ổn định cuộc sống và bắt đầu đăng ký tuyển dụng tại nhiều công ty do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM, Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp giới thiệu.  

Các công nhân chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất vui vì trong hoàn cảnh như vậy mà công ty đỡ phần nào tôi cũng bớt khó khăn được phần đó".

"Em có 2 con nhỏ mà có mình chồng em có thu nhập thôi, làm ăn cũng không có, có hỗ trợ nên cũng vui mừng và phấn khởi".

"Người ta có đền bù hợp đồng cho mình đầy đủ mà, không có gì mà phải lo lắng hết".

"Tôi cảm thấy rất vui khi có sự đồng hành của các ban ngành".

TP HCM hiện có khoảng 415.000 doanh nghiệp với 3,2 triệu công nhân, người lao động. Trong đó, 345.000 công nhân, người lao động làm việc ở các khu công nghiệp – khu chế xuất, khu công nghệ cao và 2,8 triệu công nhân, người lao động làm ở các doanh nghiệp ngoài các khu này. Rà soát mới đây của Sở Lao động– Thương binh và Xã hội TPHCM cho thấy, dưới tác động của đại dịch Covid-19, gần 75% doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, giảm lượng hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp này có khả năng cắt giảm từ 25 đến 30% số công nhân, người lao động.

Hiện TP vẫn đang triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng liên tục trở lên trong giai đoạn từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6/2020; thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/2/2020 trở đi (thời điểm công bố dịch) sẽ được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương–Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết:"Người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc mà không có lương thì những người lao động này nếu đảm bảo đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng một người mỗi tháng. Tùy theo tình hình diễn biến dịch, chúng tôi sẽ chi hàng tháng".

Về phía công nhân, nhờ được động viên, quan tâm từ phía công đoàn cơ sở nên có thêm nhiều động lực vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này. Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết: Để hỗ trợ cho người lao động thời gian này, công đoàn các cấp tiếp tục phối hợp cùng các ban ngành triển khai các gói hỗ trợ của chính phủ và thành phố, đảm bảo không để ai lại phía sau, giải quyêt trước mắt những trường hợp khó khăn.

Các đội tình nguyện nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên công nhân lao động, đề xuất chính quyền thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tìm kiếm giải pháp hỗ trợ việc làm cho người lao động. Hiện Tổng Liên đoàn phối hợp với Liên đoàn lao động TP cũng đã có các đoàn khảo sát, nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với người lao động.

"Trên cơ sở  khảo sát cũng như đánh giá, chúng ta sẽ có các giải pháp căn cơ hơn về đào tạo, đào tạo lại để giúp cho các đối tượng bị mất việc có khả năng tìm kiếm công việc mới, cũng như đón làn sóng đầu tư chuyển dịch từ những vùng có dịch nặng nề sang nước chúng ta".

Không chỉ riêng công nhân, mà con em của những công nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng được quan tâm hỗ trợ. Từ ngày 30/5 đến 7/6, Ủy ban MTTQ TP phối hợp với Thành đoàn và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức các hoạt động chăm lo 600 thiếu nhi là con em công nhân lao động tại các khu lưu trú thanh niên công nhân và 1.115 em tại 7 trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí hơn 353 triệu đồng.

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân trực thuộc Thành Đoàn TP còn phối hợp Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM và Ban Công nhân lao động Thành đoàn thành lập đội hình tình nguyện “Gia sư áo xanh”. Các tình nguyện viên này sẽ đến gia đình công nhân ở các khu lưu trú để phụ đạo kiến thức cho con em công nhân.

Tin rằng, với sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của ngành chức năng và đoàn thể, người lao động sẽ vượt qua khó khăn, ổn định được cuộc sống trong điều kiện mới./.


Kim Dung - Tỷ Huỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/de-khong-co-cong-nhan-bi-bo-lai-phia-sau-do-anh-huong-dich-covid19-1054682.vov

  • Từ khóa