Hai năm nay, một số tổ chức, hộ dân ở huyện Bình Gia đã triển khai mô hình chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Huyện Bình Gia hiện có trên 100 ha chè, tập trung chủ yếu ở thị trấn Bình Gia và xã Minh Khai. Nhiều năm qua, người dân canh tác và chế biến chè theo phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng không cao, chưa phát huy hết lợi ích từ cây chè đem lại. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của huyện phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây chè, từ năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Chè dưới tán hồi, thôn Khau Phụ, thị trấn Bình Gia đã mạnh dạn thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với sự tham gia của 17 hộ, trên tổng diện tích 35 ha. Các thành viên của HTX đã được cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện tập huấn kỹ thuật canh tác chè VietGAP từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái, sao sấy. Qua đây, người dân đã biết chăm sóc diện tích chè của gia đình; hạn chế sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sâu, bệnh cho cây…
Giám đốc HTX Chè dưới tán hồi giới thiệu sản phẩm cho khách hàng
Gia đình bà Cam Thị Kim là một trong những hộ trồng chè lâu năm. Hiện tại, gia đình bà khoảng 3 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Kim cho biết: Cây chè cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ngày, tôi có thể thu được từ 15 đến 20 kg chè tươi với giá bán 23.000 đồng/kg. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cây chè đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình với mức trung bình trên 100 triệu đồng/năm.
Thực hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chè dưới tán hồi, HTX Chè dưới tán hồi thôn Khau Phụ được Nhà nước hỗ trợ một số trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc chế biến chè như: máy sao chè, máy vò, máy hút chân không và được hỗ trợ thiết kế logo, bao bì sản phẩm… Vì vậy, sản phẩm chè sản xuất ra đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, được khách hàng ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh… ưa chuộng. Ông Lê Tiến Lâm, Giám đốc HTX Chè dưới tán hồi thôn Khau Phụ cho biết: Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè VietGAP giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống sang sản xuất theo quy trình tiên tiến, đảm bảo an toàn cho cả sản phẩm và người canh tác; giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè. Hiện tại 1 kg chè khô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bán trên thị trường được 200.000 đồng/kg, cao hơn từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/kg chè khô sản xuất theo quy trình thông thường. Từ sản xuất chè theo quy trình này, trung bình một năm, các hộ thành viên trong HTX sản xuất và tiêu thụ trên 10 tấn chè khô (tương đương trên 60 tấn chè búp tươi) và có thu nhập khá.
Với nỗ lực của chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan cùng các hộ dân, mô hình sản xuất chè dưới tán hồi theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại thành công nhất định ở huyện Bình Gia. Ngày 22/5/2020, sản phẩm này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trao giấy chứng nhận công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2019 hạng 3 sao. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn cho các tổ chức, cá hộ trồng chè ở Bình Gia.
Ông Đào Thế Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trung bình mỗi năm, sản lượng chè tươi của toàn huyện đạt khoảng trên 300 tấn/năm. Để phát huy tiềm năng, lợi thế từ cây chè trồng dưới tán hồi, thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng diện tích chè; lựa chọn trồng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Đối với các xã có diện tích chè lớn thì phòng và chính quyền cơ sở sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng đầu ra cho sản phẩm chè của huyện.
NGỌC MAI – KIM HUYÊN/baolangson.vn