Cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội được thông qua sẽ giúp Thủ đô có thêm nguồn lực phát triển xứng tầm cửa ngõ giao lưu quốc tế.
Trình bày trước Quốc hội Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qui định cho thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lí tài chính - ngân sách đặc thù thuộc Thành phố quản lí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Ảnh: Quốc hội) |
Trong đó qui định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của Thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết. Qui định việc giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến nguồn lực tài chính, điều kiện đảm bảo cho việc thi thành Nghị quyết bao gồm: ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu; ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn tài chính hợp pháp khác.
Bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo nghị quyết về chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM cho biết, Hà Nội là thủ đô, Trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia và quan trọng hơn là bộ mặt của quốc gia.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM |
“Khi thế giới nói về Việt Nam, thường người ta nói đến Hà Nội và TPHCM. Đó là cửa ngõ giao lưu với quốc tế, cho nên phải đầu tư sao cho xứng tầm là rất cần thiết”, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định.
Hiện, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp vào tổng thu chung khoảng 17%. Năm 2019, Hà Nội thu khoảng 263.000 tỷ đồng và được chi khoảng 100.000 tỷ đồng. Tỷ lệ điều tiết để lại cho Hà Nội là 35%. Tuy nhiên, bình quân đầu người ở Hà Nội là 5.200 USD/người/năm, đứng thứ 8 trong 63 tỉnh, thành phố. Do đó, cần thiết phải đầu tư thêm cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng, đường sá quá tải…
Về đề nghị cho Hà Nội được sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ cho các địa phương khác, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần phải giới hạn nằm trong vùng kinh tế của Hà Nội, là vùng đồng bằng sông Hồng.
“Tôi nghĩ rằng tới đây chúng ta cũng nên xây dựng một cơ chế kết nối vùng, liên kết vùng, cho phép các địa phương trong vùng có thể hỗ trợ ngân sách, tạm ứng ngân sách, hoặc hỗ trợ vốn cho nhau để thực hiện các công trình đầu tư xây dựng. Ví dụ làm cầu Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, bên nào làm thì có thể ứng vốn hỗ trợ nhau. Như vậy, sẽ thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhanh hơn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn Hà Nội cho rằng, cơ chế đặc thù về ngân sách lần này chỉ là một phần để phát triển Thủ đô. Chiến lược lâu dài phải tính đến là điều chỉnh Luật Thủ đô, để có sự phát triển đột phá, lâu dài và vững chắc.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho biết, sắp tới, Hà Nội sẽ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô ở tất cả các thể chế, chính sách về chính quyền đô thị, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đô thị đặc biệt, thành phố lớn như Hà Nội…/.
Vân Anh/VOV.VN