Châu Á nhớ khách Trung Quốc

Thứ 5, 11.06.2020 | 11:03:10
810 lượt xem

Nhiều điểm đến đang hướng về Trung Quốc, khi trong một khảo sát, người dân nước này cho biết sẽ ưu tiên đến nơi nào ủng hộ họ trong Covid-19.

Trước đây, doanh nhân Catherine Tok thường rời Singapore để đi nước ngoài 6 – 8 lần mỗi năm, nhưng cô tin rằng những ngày mộng đẹp ấy của mình đã không còn nữa. Ít nhất là cho đến khi vaccine cho Covid-19 được sáng chế thành công và những lệnh hạn chế về đường biên giới được dỡ bỏ, thời kỳ cách ly không còn và những chuyến bay không bị gián đoạn.

Nhưng vaccine vẫn là một thứ gì đó xa vời. Nhiều chuyên gia ước tính sẽ mất ít nhất một năm nữa mới có hy vọng vaccine được sử dụng rộng rãi, thậm chí sẽ chẳng bao giờ có vaccine. Tất cả khiến Tok, 31 tuổi, chán nản bởi thời vi vu trong quá khứ của cô có thể biến mất.

Con đường mua sắm hàng hiệu nổi tiếng thế giới Orchard Road ở Singapore trống rỗng. Nơi này vốn tập trung đông đảo du khách đến từ Trung Quốc khi chưa có Covid-19. Ảnh: Nikkei.

Con đường mua sắm hàng hiệu nổi tiếng thế giới Orchard Road ở Singapore trống rỗng. Nơi này vốn tập trung đông đảo du khách đến từ Trung Quốc khi chưa có Covid-19. Ảnh: Nikkei.

Thời của "bong bóng du lịch"

Nhưng, Tok vẫn còn chút hi vọng. Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đề xuất đưa ý tưởng "bong bóng du lịch" vào thực tế, trong đó các quốc gia có thể thỏa thuận song phương cho phép công dân tự do di chuyển qua lại biên giới, như những ngày bình yên trước khi đại dịch ập tới.

Đột nhiên "bong bóng" trở thành một từ phổ biến khi các quốc gia kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế bị Covid-19 tấn công, bằng cách khởi động lại ngành công nghiệp du lịch. Một bong bóng như vậy đã thành hiện thực vào đầu tháng 5, khi khách từ Hàn Quốc có thể đến 10 khu vực của Trung Quốc, với điều kiện âm tính với Covid-19 trước khởi hành và sau khi đến.

Trong số những vị khách đầu tiên đi theo con đường bong bóng là Phó chủ tịch Samsung Electronic Lee Jae-yong. Ông có chuyến tới Thiểm Tây ba ngày để kiểm tra nhà máy của Samsung. Hàn Quốc cũng đang thảo luận để tìm cách nối lại du lịch bằng bong bóng với Việt Nam, Hungary, Ba Lan và Kuwait. Cùng lúc đó, nhiều quốc gia khác cũng đang triển khai mô hình này như Estonia, Latvia và Lithuania; Singapore với Canada; hay Australia với các đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Ông Wong King Yi, Chuyên gia du lịch ở Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho biết: "Tất cả các nước đều hiểu rằng, để kích thích kinh tế, họ cần phải mở cửa biên giới. Nhưng vấn đề là họ không chắc chắn sẽ có làn sóng dịch bệnh thứ hai hay thứ ba hay không, nên phải tiến hành từng bước một".

Chẳng hạn, Singapore, Australia, Canada, Hàn Quốc và New Zealand đang muốn mở cửa biên giới với nhau, và sẽ bắt đầu bằng những chuyến du lịch công vụ cần thiết trước khi triển khai loại hình du lịch giải trí. Các quốc gia đang tìm kiếm tiêu chuẩn để thực thi vấn đề này, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe song phương, bằng các biện pháp như xét nghiệm, truy dấu người nhiễm Covid-19.

Trong khi các quốc gia đang thận trọng tiếp cận vấn đề, cơ hội phục hồi du lịch giải trí lại khiến ngành du lịch sục sôi.

Điều này là bình thường, bởi xét cho cùng, du lịch từ lâu là động lực phát triển kinh tế của nhiều nước châu Á. Năm 2018, doanh thu du lịch chiếm 5,5% GDP của Singapore, 5,8% GDP của Malaysia, hơn 11% GDP của Việt Nam và Thái Lan. Ở Campuchia, con số này lên tới 17,8%, trong khi Bali của Indonesia lại có nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào du lịch, với 70% người dân sống nhờ vào ngành công nghiệp không khói.

Nhưng đại dịch khiến gần 64 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch ở châu Á thất nghiệp, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Changi, sân bay bận rộn thứ 17 trên thế giới của Singapore, đã đóng cửa hai trong bốn nhà ga vì không có chuyến bay. Từ một nơi phục vụ 5,63 triệu hành khách vào tháng 3 năm ngoái, đến nay sân bay chỉ đón khoảng 100 chuyến và 700 hành khách mỗi ngày.

Gây cảm tình với khách Trung Quốc

Chiến lược tái khởi động du lịch ở châu Á nhắm đến khách Trung Quốc. Năm ngoái, khách Trung Quốc chiếm 1/5 lượng khách đến Singapore và hơn 1/4 khách đến Thái Lan. Năm 2018, 27 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến thăm các nước ASEAN, tăng gấp 10 lần so năm 2003.

Du khách chụp ảnh trước cung điện Gyeongbokgung ở Seoul lúc đội bảo vệ đang thay ca trực. Hàn Quốc và Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng bong bóng du lịch. Ảnh: AFP.

Du khách chụp ảnh trước cung điện Gyeongbokgung ở Seoul lúc đội bảo vệ đang thay ca trực. Hàn Quốc và Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng bong bóng du lịch. Ảnh: AFP.

Một khảo sát do Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương thực hiện hồi tháng 3 với hơn 1.200 người Trung Quốc cho biết, 60% dự định đi du lịch trong năm nay nếu đại dịch được kiểm soát, và 35% sẽ ưu tiên đến những quốc gia đã hỗ trợ Trung Quốc trong đại dịch.

Năm điểm đến hàng đầu của khách Trung Quốc muốn đến sau dịch là Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu, Maldives và Singapore. Đó là tin tốt cho Thái Lan, khi khách Trung Quốc chiếm 27% trong tổng số 38,9 triệu khách quốc tế đến đây năm ngoái.

Trong khi đó, Campuchia đang tìm cách thu hút khách Trung Quốc quay lại bằng cách chuẩn bị các giải pháp an toàn như giãn cách xã hội trên xe khách và nhà hàng. Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, ông lạc quan rằng khách Trung Quốc sẽ ủng hộ du lịch nước mình sau đại dịch, vì Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thăm Bắc Kinh vào tháng 2, đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Campuchia cũng đã gỡ bỏ lệnh cấm du lịch đến từ sáu quốc gia trong đó có Mỹ, miễn du khách đáp ứng một số yêu cầu.

Văn phòng Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Bắc Kinh đã và đang thực hiện các chiến dịch tiếp thị trực tuyến cho khách Trung Quốc. Một quan chức của tổ chức này nhận định: "Trung Quốc là một trong những nước láng giềng gần nhất của chúng tôi nên chúng tôi hy vọng người dân Trung Quốc thừa nhận nỗ lực trao đổi khách giữa hai quốc gia, mặc dù ưu tiên hiện tại vẫn là ngăn chặn dịch".

Tại Singapore, công ty du lịch Dynasty cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu và họ đang nghiên cứu cách thu hút khách từ quốc gia này quay lại.

Aviareps, công ty quản lý điểm đến Nhật Bản, khuyên khách hàng lưu ý tới giá cả tốt trong thời điểm hiện tại để đi du lịch sau dịch, và đăng tải những trải nghiệm trên mạng xã hội để khuyến khích người khác đi du lịch.

Ashley Harvey, Tổng giám đốc Aviareps, bày tỏ ý muốn triển khai chiến dịch cụ thể đối với những nhân viên y tế và du khách đầu tiên đến từ Trung Quốc. "Tôi cho rằng Trung Quốc đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong khủng hoảng dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu, khi chúng ta chưa biết dịch sẽ như thế nào trong tương lai, Nhật Bản đã cung cấp cho Vũ Hán nhiều thiết bị bảo hộ y tế và hỗ trợ tích cực khác. Tôi nghĩ điều đó sẽ khuyến khích khách quay lại Nhật Bản".

Du khách rời du thuyền tham quan Hạ Long sau khi Việt Nam tung ra nhiều chương trình kích cầu thu hút khách trong nước quay lại du lịch nội địa sau dịch. Ảnh: AFP.

Du khách rời du thuyền tham quan Hạ Long sau khi Việt Nam tung ra nhiều chương trình kích cầu thu hút người dân du lịch nội địa sau dịch. Ảnh: AFP.

Thay đổi tư duy

Tuy nhiên, ngay cả khi có vaccine và đại dịch kết thúc, du lịch có thể chẳng bao giờ quay lại như cũ, trước 2020.

Nhà phân tích Siobhan Lynch của Deutsche Bank đánh giá, trong lịch sử các quốc gia phải mất 2 - 3 năm để lượng du khách mới quay lại ở mức trước khủng hoảng. Đối với Covid-19, sau dịch thậm chí những du khách công vụ chọn trao đổi công việc qua mạng hơn là gặp trực tiếp, còn khách du lịch giải trí có thể tìm kiếm dịch vụ linh hoạt hơn với những chuyến bay cho phép hủy hoặc thay đổi, chọn kỳ nghỉ ngắn ngày.

Các chuyên gia cũng mong đợi thay đổi của du lịch nội địa. Khảo sát của Hiệp hội du lịch châu Á Thái Bình Dương về khách Trung Quốc cho thấy, 56% muốn du lịch nội địa.

Điều này cũng phổ biến ở Việt Nam, nơi các hãng hàng không cho biết các chặng bay trong nước nhanh chóng lấp đầy chỗ và ngành du lịch đã công bố chương trình kích cầu mang tên "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Hàng loạt dịch vụ trong nước giảm giá sâu để kích thích du khách đi chơi.

Tại Singapore, Công ty du lịch Dynasty đang xem xét đến các phân khúc thị trường mới, chẳng hạn các tour địa phương. Xu hướng du lịch cũng thay đổi khi khách không muốn bay đường dài và tới nơi vắng vẻ, chọn các kỳ nghỉ dưỡng hay chăm sóc sức khỏe. Khảo sát của doanh nghiệp cũng cho thấy, du khách ở các nơi như Đài Loan, Australia hay New Zealand thích tự lái xe khám phá, hoặc đến các khu nghỉ ven biển tại Thái Lan hay Indonesia.

Alicia Seah, giám đốc tiếp thị của Dynasty, cho rằng một khi biên giới mở cửa, du khách sẽ lựa chọn những không gian mở, khu nghỉ dưỡng thiên nhiên ở ngoại ô thay vì vào thành phố, và tham gia các hoạt động ngoài trời.

Michael Chiam, giảng viên cao cấp về du lịch tại Đại học Bách khoa Ngee Ann (Singapore), nhận định, hiện ngành du lịch cần tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Du lịch cũng sẽ phù hợp để phát triển với nhóm nhỏ hơn là số đông.

"Các ngành công nghiệp sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Chúng ta phải mọi thứ khác đi trong bối cảnh bình thường mới và phải tìm ra những lĩnh vực mới mà chúng ta có thể phát triển mạnh", ông khẳng định.


Vi Nguyễn/vnexpress.net

https://vnexpress.net/chau-a-nho-khach-trung-quoc-4113394.html

  • Từ khóa