Sức mua nội địa chưa “khỏe” trở lại

Chủ nhật, 14.06.2020 | 09:10:53
617 lượt xem

Sau giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước sức mua vẫn giảm.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta khiến xuất khẩu 5 tháng đầu năm giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong nước tăng chưa đủ mạnh, đặt thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 8,6% so với cùng kỳ

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu tính chung 5 tháng đầu năm, con số này giảm 3,9% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm thì tổng mức bán lẻ giảm 8,6%.

Điển hình của sự sụt giảm này là ngành vận tải và du lịch. Hoạt động vận tải trong nước tháng 5/2020 có dấu hiệu phục hồi sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn hết sức phức tạp, khó lường. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng hành khách giảm 27,5% và hàng hóa vận chuyển giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

suc mua noi dia chua
Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong nước tăng chưa đủ mạnh, đặt thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, du lịch nội địa dần được phục hồi sau khi các quy định về giãn cách xã hội đã được nới lỏng và các biện pháp kích cầu du lịch nội địa được triển khai trên cả nước. Cụ thể, trong tháng 5/2020, ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 3 triệu lượt, trong đó có 1,4 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch.

Trong 5 tháng đầu năm, ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 16 triệu lượt, trong đó có 8,2 triệu lượt khách lưu trú tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5/2020 chỉ đạt 22.700 lượt người bao gồm các chuyên gia, lao động kỹ thuật, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tiêu thụ giảm, tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển kinh tế trong nước hậu Covid-19 phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng mới của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Mức tiêu thụ giảm, tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ là 1%, trong khi mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 9,5%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Đại diện EcoSea Travel cho biết, học sinh nghỉ hè muộn tác động đến nhu cầu đi du lịch hè của các gia đình, mùa du lịch hè sẽ đến muộn và ngắn hơn nhiều so với những năm trước. Cộng thêm tình hình suy thoái chung do tác động của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế chi tiêu, có tâm lý lo xa trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp trên thế giới… Bởi vậy, dù nhiều biện pháp kích cầu du lịch nội địa được triển khai mạnh mẽ nhưng lượng khách vẫn tăng chậm, chưa đủ để xốc lại trong mùa hè này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tiêu thụ ở thị trường nội địa gặp khó khăn sẽ gián tiếp tạo áp lực lên xuất khẩu. Việc cân bằng cung - cầu ở thị trường nội địa là một trong những bài toán quan trọng đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, trong thời gian này, có 48.621 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 8,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, 26.008 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 16.548 doanh nghiệp chờ giải thể, 6.065 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trung bình mỗi tháng có 9.724 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong một diễn biến khác, IHS Markit công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI). Tuy PMI tháng 5/2020 của Việt Nam đã tăng 10 điểm, đạt 42,7 điểm, cao hơn đáng kể so với mức thấp kỷ lục 32,7 điểm của tháng 4, song con số này vẫn cho thấy, “sức khỏe” của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm nhanh.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit nhận định: “Dữ liệu PMI trong tháng 5 của Việt Nam cho thấy con đường sẽ còn dài, khi lĩnh vực sản xuất vẫn suy giảm vào thời điểm giữa quý 2 của năm, mặc dù mức giảm là nhẹ hơn nhiều so với mức kỷ lục của tháng 4. Quá trình tăng trưởng trở lại có thể sẽ diễn ra từ từ với sự hỗ trợ ít ỏi từ thị trường nước ngoài, ít nhất là trong tương lai gần, khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới”.

Nhiều giải pháp kích cầu

Ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ưu tiên khơi thông sức mua nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp và các địa phương trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mô hình phục hồi kinh tế hiện nay là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài. Kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay.

Theo các chuyên gia, lĩnh vực tài chính tiêu dùng tuy chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của cả nền kinh tế nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và đóng góp một cách trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực triển khai Nghị quyết 84/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công. Nghị quyết được thực thi sẽ tác động tới cả phía cung và phía cầu, sức mua của nền kinh tế và nhờ thế, kinh tế Việt Nam sẽ từng bước được vực dậy.

Các ngành nông lâm thủy sản, du lịch, dệt may... đồng loạt triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giảm giá thành sản phẩm kích thích tiêu dùng trong nước.

Các trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ ăn uống triển khai hàng loạt các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua bán qua các kênh như: điện thoại, đặt hàng qua website, ứng dụng, đồng thời hỗ trợ các chính sách giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng góp phần giúp các đơn vị kinh doanh cải thiện được doanh thu trong tình hình thị trường ảm đạm do bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo Tổng cục Du lịch, cơ cấu lại thị trường khách du lịch là một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay để giúp tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, việc khai thác hiệu quả hơn thị trường khách du lịch nội địa còn nhiều tiềm năng, đa dạng hóa thị trường và giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Cụ thể, ngành du lịch cần cơ cấu lại thu nhập từ du lịch, tỷ trọng chuyển đổi thu nhập từ du lịch nội địa và du lịch quốc tế từ 45/55 thành 55/45, dần tiến đến tỷ lệ mục tiêu 60/40. Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, có biện pháp tăng tỷ trọng chi tiêu mua sắm, vui chơi, giải trí và các dịch vụ ngoài tour.

Cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo hướng chú trọng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa - di sản, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, thể thao, các dịch vụ trải nghiệm cao cấp gắn với các khu nghỉ dưỡng boutique sang trọng… Phát triển, quảng bá các điểm đến mới để giãn, giảm tải khách tại các điểm đến truyền thống.../.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/suc-mua-noi-dia-chua-khoe-tro-lai-1058943.vov

  • Từ khóa