Vì đâu khôi phục rừng ở Tây Nguyên cho kết quả âm?

Thứ 4, 24.06.2020 | 16:51:18
615 lượt xem

Đến nay, Tây Nguyên chỉ còn chưa đầy 46% độ che phủ rừng, nhưng trên 70% là rừng nghèo và nghèo kiệt.

Giai đoạn 1992-2015 vùng Tây Nguyên mất 1 triệu ha rừng. Còn giai đoạn 2010-2020 cũng có gần 500.000ha rừng biến mất. Có thể nói, tốc độ mất rừng ở Tây Nguyên đang diễn ra quá nhanh và kéo theo đó là những hệ lụy lớn lao về môi trường, xã hội.

Giữ rừng, khôi phục và phát triển rừng được xem là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ giao cho các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế việc khôi phục rừng lại cho kết quả âm, khi diện tích rừng liên tục suy giảm.

Liên quan những vấn đề này, Phóng viên Đài TNVN có cuộc trao đổi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

vi dau khoi phuc rung o tay nguyen cho ket qua am? hinh 1
Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn - (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

PV: Thực trạng rừng Tây Nguyên hiện nay đã đến mức báo động như thế nào thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn: Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, diện tích rừng Tây Nguyên do việc chuyển đổi mục đích trong nhiều năm qua và trữ lượng đã giảm sút rất nhanh chóng. Hiện nay đang tiếp tục suy giảm.

Vấn đề đặt ra với Tây Nguyên để phát triển bền vững thì việc giữ diện tích như hiện nay cũng là ngưỡng không thể thấp hơn. Đến nay, Tây Nguyên chỉ còn chưa đầy 46% độ che phủ rừng, nhưng trên 70% là rừng nghèo và nghèo kiệt. Diện tích rừng trung bình và rừng giàu thì chỉ còn tập trung ở các khu vực rừng đặc dụng và một phần khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn.

PV: Như ông vừa nói thì rừng Tây Nguyên đã ở mức không thể thấp hơn được nữa, nhưng thực tế thì các tỉnh Tây Nguyễn đã và đang đề nghị chuyển đổi hàng nghìn ha rừng sang mục đích khác. Liệu có phải các địa phương vẫn đang tiếp tục đánh đổi môi trường lấy kinh tế thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn: Chỉ thị 13 của Ban Bí thư trong đó có yêu cầu và những giải pháp chỉ đạo rất kiên quyết là kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải chuyển một phần đất cho những công trình phục vụ quốc phòng an ninh, những dự án phát triển kinh tế cấp thiết đương nhiên chúng ta phải sử dụng một phần đất lâm nghiệp.

vi dau khoi phuc rung o tay nguyen cho ket qua am? hinh 2
Hiện nay, một số tỉnh Tây Nguyên đang đề xuất công nhận một số cây ăn trái như bơ, mít, sầu riêng, mắc-ca là đây đa mục đích để trồng trên đất lâm nghiệp. 

Vừa qua các tỉnh Tây Nguyên đề nghị với Chính phủ cho chuyển đổi mục đích trên 3.000ha, trong đó có cả đất có rừng tự nhiên. Thủ tướng Chính phủ giám sát rất chặt chẽ, mới phê duyệt khoảng 1/10 số đề nghị của địa phương. Nhu cầu phát triển chúng ta biết là phải hạn chế chuyển mục đích sử dụng rừng và hiện nay chúng ta đang thực hiện quy hoạch để làm sao ổn định. Tây Nguyên đang ngày càng thực hiện nghiêm túc hơn quy định của Trung ương và Chính phủ, theo đúng quy định pháp luật.

PV: Vấn đề trồng, khôi phục để nâng cao độ che phủ rừng Tây Nguyên đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã có những chỉ đạo quyết liệt. Nhưng kết quả thực hiện thì ngược lại khi độ che phủ rừng của Tây Nguyên giảm từ 51,9% năm 2010 xuống chỉ còn 45,9% năm 2020, giảm khoảng 6%. Vì sao trồng, khôi phục rừng Tây Nguyên lại cho kết quả âm như vậy, thưa ông?

Ông Hà Công Tuấn: Tây Nguyên dứt khoát phải tập trung cho việc khôi phục rừng. Hiện nay có khoảng 46% thì phải đưa lên 49-50% độ che phủ. Nhưng việc trồng rừng ở Tây Nguyên là hết sức khó khăn. Không phải điều kiện tự nhiện, thổ nhưỡng ở đây khó cho việc trồng rừng, mà có thể nói là một lợi thế cho việc trồng rừng, thậm chí là trồng rừng thâm canh chất lượng cao.

Nhưng do lợi thế so sánh giữa diện tích trồng rừng với trồng cây công nghiệp, nông nghiệp thì những cây này cao hơn rất nhiều. Vì vậy, đối với Tây Nguyên phải rà soát lại quy hoạch, phải kiên quyết đảm bảo việc quản lý quy hoạch đối với diện tích đất phát triển lâm nghiệp dứt khoát phải trồng lại rừng. Và phải trồng rừng thâm canh.

vi dau khoi phuc rung o tay nguyen cho ket qua am? hinh 3
Mít được nông dân Tây Nguyên trồng trên đất lâm nghiệp.

Cùng với phát triển vùng nguyên liệu thì phải tạo điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến ở đây. Và đã là kinh tế phải tính từ đầu ra và phải tính thu nhập. Và như thế, hiểu điều kiện, lợi thế so sánh của ngành lâm nghiệp thì Nhà nước phải có chính sách ưu đãi hơn cho khu vực này.

PV: Hiện nay, một số tỉnh Tây Nguyên đang đề xuất công nhận một số cây ăn trái như bơ, mít, sầu riêng, mắc ca là đây đa mục đích để trồng trên đất lâm nghiệp. Và như vậy sẽ khuyến khích cũng như đẩy nhanh tốc độ trồng rừng ở khu vực. Ý kiến thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Ông Hà Công Tuấn: Trong việc xác định cơ cấu những cây có thể giữ được môi trường, cảnh quan và phòng hộ được, ví dụ các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị những cây có tán rất tốt như cây bơ, những cây có thế mạnh, thậm chí là cây mắc-ca thì chúng ta cũng cho phép trồng trên đất lâm nghiệp.

Để đảm bảo nguyên tắc về kinh tế là những cây có thu nhập, không chỉ là về gỗ mà kể cả quả, thu nhập rất ổn định, lâu dài rồi vẫn có giá trị môi trường. Những cây thân gỗ mà giữ nước thì các nhà khoa học khẳng định rằng phần giữ nước từ lá và thân chỉ chiếm khoảng 30%. Còn 70% giữ nước chính là bộ rễ, người ta gọi là đất ngậm nước chính là từ bộ rễ.

Cho nên những cây đó cũng có tác dụng thật. Và như thế, giữ được môi trường, đấy là mục tiêu, nhưng chúng ta cũng phải ổn định được đời sống, thu nhập của người sản xuất, người dân. Môi trường, phòng hộ đấy là dĩ bất biến. Chúng ta phải tái cơ cấu, tính toán các hiệu quả kinh tế - xã  hội, đấy là ứng vạn biến trong tình hình này.

PV: Xin cảm ơn ông./.


Công Bắc/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/vi-dau-khoi-phuc-rung-o-tay-nguyen-cho-ket-qua-am-1063069.vov

  • Từ khóa