Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Luật Biên phòng Việt Nam. Vẫn còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề cụ thể trong luật.
Thế trận lòng dân là đặc biệt quan trọng
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam. Thực tiễn trong hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là một thành phần của Bộ Quốc phòng, lực lượng nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới đất liền, vùng biển đảo.
Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị địa phương ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh qua biên giới.
“Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã cắm trại liên tục nhiều tháng liền, vợ sinh, cha, mẹ mất cũng không được về, cưới hỏi phải hủy nhiều lần,... Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng các đồng chí đã giữ vững tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” – đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý cụ thể vào dự án luật, đại biểu Dương Tấn Quân dẫn khoản 4 Điều 3 quy định “Nhà nước có chính sách trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách”, đại biểu đề nghị nên bỏ đoạn “nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang, nhân dân là nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách” vì không cần thiết và sẽ trùng lặp với Điều 7 về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng đã có quy định rất rõ
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ không đồng tình với quan điểm của ông Dương Tấn Quân về việc nên đưa nội dung "nhân dân làm chủ thể" trong dự án luật ra khỏi dự án.
Theo đại biểu, mục đích xây dựng dự án luật có nêu quan điểm chủ đạo xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng làm chuyên trách. Căn cứ vào quan điểm này thì Ban soạn thảo sẽ thiết kế và cụ thể hóa trong rất nhiều điều khoản trong dự án luật.
“Tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ quan điểm này trong các điều khoản của luật để thực thi nhiệm vụ quốc phòng ở biên giới. Bởi vì cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân thì có một thế trận vô cùng đặc biệt quan trọng, đó là thế trận lòng dân” – đại biểu đoàn TPHCM nhấn mạnh.
Nhiệm vụ biên phòng ở biên giới quốc gia, khu vực biên giới quốc gia phải phát huy nguồn lực, có giá trị mạnh mẽ về hữu hình lẫn vô hình, là niềm tin của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ này phải được phát huy để xây dựng phên giậu trong lòng nhân dân chính là phên giậu bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, trong những năm qua, lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng biên phòng đã tổ chức nhiều chương trình và nhiều phong trào hành động rất cụ thể và đem lại hiệu quả, xây dựng niềm tin nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đối với lực lượng vũ trang, lượng biên phòng.
Còn có sự chồng chéo
Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, dự thảo luật chưa xác định đúng vị trí, vai trò của lực lượng bộ đội biên phòng khi quy định tại Điều 3 và Điều 7 rằng bộ đội biên phòng chỉ là lực lượng chuyên trách mà không phải là lực lượng nòng cốt.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) |
“Tôi thiết nghĩ, khi nói đến thực thi nhiệm vụ biên phòng, lực lượng nòng cốt phải là bộ đội biên phòng, soi rọi vào 9 nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật và từ thực tiễn cho thấy lực lượng chủ chốt được giao nhiệm vụ thực hiện tất cả những nhiệm vụ đó chính là Bộ đội Biên phòng, đó là những công việc hằng ngày của lực lượng này” – đại biểu phân tích và nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ biên phòng còn có nhiều chủ thể khác nhau, nhưng bộ đội biên phòng phải là nòng cốt, phải là lực lượng chủ chốt.
Đặt vấn đề có hay không có về chuyện chồng chéo, nhiệm vụ của lực lượng biên phòng với lực lượng hải quan và lực lượng công an, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng là có.
Luật Hải quan cho phép hải quan được kiểm tra phương tiện của khu vực hải quan quản lý. Nhiệm vụ của biên phòng được quyền kiểm tra phương tiện khi có dấu hiệu sai phạm và đại biểu cho rằng, dùng từ “khi có dấu hiệu sai phạm” nghe rất mơ hồ.
“Khi kiểm tra phương tiện A, phương tiện B qua biên giới, có dấu hiệu sai phạm, chở đồ lậu, anh dừng lại kiểm tra nhưng khi anh kiểm tra không có thì sao? Nhiệm vụ này của hải quan cũng kiểm tra, của biên phòng cũng kiểm tra. Tôi cho rằng, đây là chồng chéo. Tại sao chúng ta không phối hợp với nhau, bây giờ ai là chủ trì kiểm tra các phương tiện này? Ai làm nhiệm vụ phối hợp? Nếu đưa ra nhiệm vụ này dẫn đến tình trạng kiểm tra phương tiện qua lại biên giới là tùy tiện” – đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc.
Liên quan đến lực lượng công an, theo đại biểu Phạm Văn Hoà, phạm vi và quyền hạn của Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới rất rộng, dẫn đến giải quyết các vấn đề có chồng chéo với công an.
“Ví dụ như trường hợp ở Đồng Tháp, khi sự việc xảy ra về trật tự xã hội thì người dân lại báo công an xã, không báo biên phòng. Công an xã nói đây là nhiệm vụ của biên phòng vì giữ nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội biên phòng, công an xã chỉ được phối hợp. Cho nên sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa biên phòng và công an thời gian qua đã có vấn đề này. Công an xã quản lý hộ khẩu, nhân khẩu, con người ở tại khu vực biên giới nhưng không có thẩm quyền trực tiếp để quản lý về an ninh trật tự và an toàn xã hội khu vực biên giới” – ông Phạm Văn Hoà phân tích và đề nghị làm rạch ròi vấn đề này./.
Ngọc Thành/VOV.VN