Dù Hội nghị Cấp cao 37 mới chỉ diễn ra trong ngày đầu tiên nhưng đã có những tín hiệu tích cực về vấn đề Biển Đông và Covid-19.
Hướng tới một Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương cởi mở, tự do
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong ngày đầu tiên của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 chính là những tuyên bố từ các đối tác của ASEAN, trong đó nhấn mạnh cam kết xây dựng một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng hướng tới một khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương cởi mở và tự do.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại phiên khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ASEAN đã thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và toàn cầu, trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cao ý nghĩa của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, là khung khổ cho mọi hoạt động trên biển và bày tỏ hy vọng sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị.
Quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo các nước đối tác của ASEAN.
Các bên liên quan cũng đã nhất trí ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Không chỉ quan tâm tới vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác cũng rất coi trọng việc xây dựng một khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương tự do, cởi mở, coi đây là yếu tố then chốt thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã khẳng định, “Nhật Bản, với tư cách là người bạn tốt của ASEAN, sẽ luôn kề vai sát cánh với ASEAN để tạo dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở”.
Ông Suga nhấn mạnh Tầm nhìn ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được ASEAN thông qua hồi năm 2019 là một tiếng nói mạnh mẽ của khu vực trong việc thúc đẩy việc thượng tôn pháp luật, cởi mở, minh bạch và toàn diện và đã trở thành những nguyên tắc hành động của ASEAN và cam kết sẽ ủng hộ mạnh mẽ Tầm nhìn này.
Chung tay vượt qua đại dịch Covid-19
Một vấn đề chiếm nhiều thời lượng nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này chính là tác động của Covid-19 và những cách thức hợp tác để ASEAN và các nước đối tác cùng vượt qua đại dịch, đi tiên phong trong việc hưởng thịnh vượng giai đoạn hậu đại dịch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cần hoà bình, ổn định hợp tác và phát triển để vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19.
Phát biểu chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 bùng phát đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân, làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến thành quả kinh tế - xã hội được tích lũy hàng thập kỷ qua.
Năm 2020 đang dần khép lại với những biến chuyển sâu rộng, phức tạp của tình hình thế giới. Hơn bao giờ hết, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cần hoà bình, ổn định hợp tác và phát triển; người dân cần được quan tâm, bảo vệ và sẻ chia để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được các đối tác của ASEAN hưởng ứng bằng những cam kết thiết thực trong việc chung tay đối phó với dịch bệnh.
Cụ thể, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết phối hợp chặt chẽ với ASEAN trong nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 và thuốc điều trị, sẽ xem xét tích cực hỗ trợ người dân các nước ASEAN được tiếp cận rộng rãi với vaccine cũng như sẽ hỗ trợ 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19, hỗ trợ các quốc gia thành viên nâng cao năng lực dự phòng ứng phó dịch bệnh.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mong muốn ASEAN và Nhật Bản cùng nhau hợp tác vượt qua đại dịch.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng, Covid-19 là dịch bệnh chưa từng có tiền lệ mà Nhật Bản và ASEAN đều mong muốn cùng nhau vượt qua với tư cách là những người bạn lâu đời và những đối tác bình đẳng: “Ngày hôm nay đánh dấu việc thành lập Trung tâm phòng chống bệnh truyền nhiễm ASEAN. Nhật Bản cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ việc phát triển trung tâm nhằm bảo vệ cho người dân ASEAN trước các bệnh truyền nhiễm”- Thủ tướng Nhật bày tỏ.
Chia sẻ quan điểm trên, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định: “Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, người dân Hàn Quốc cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, ASEAN đã thể hiện tình bạn đích thực, đoàn kết với Hàn Quốc bằng việc hỗ trợ các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh nhằm giúp Hàn Quốc vượt qua đại dịch. Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia cùng với ASEAN trong những nỗ lực ứng phó với Covid-19 và chuỗi cung ứng y tế trong ASEAN + 3”.
Có thể thấy, bất chấp khó khăn vì đại dịch Covid-19 và những diễn biến khó lường trên thế giới thời gian qua, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đã mở đầu suôn sẻ với những cam kết thiết thực và tích cực từ lãnh đạo ASEAN và các đối tác. Đây cũng là tiền đề quan trọng để có thể tin tưởng rằng, Hội nghị lần này sẽ đạt được những kết quả đáng mong đợi./.
Hoàng Khánh Cường/VOV.VN