Chống lạm quyền như thế nào khi TPHCM không tổ chức HĐND cấp quận, phường?

Chủ nhật, 06.12.2020 | 09:16:38
443 lượt xem

HCM sẽ sẽ xóa bỏ HĐND cấp quận, phường từ ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc giám sát, chống lạm quyền ở đây sẽ được thực hiện như thế nào?

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 14 đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Theo đó, việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 1/7/2021. Một nội dung sẽ được triển khai ngay mà không cần thí điểm là không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc giám sát, chống lạm quyền ở những nơi không còn tổ chức HĐND sẽ được thực hiện như thế nào?

Người dân cần cán bộ dám nói thẳng, nói thật

Theo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vừa được Quốc hội thông qua, thì ở cấp quận, phường trên địa bàn thành phố sẽ không còn tổ chức HĐND. Còn ở cấp thành phố, huyện, thị trấn, xã tại TPHCM sẽ tổ chức theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM sẽ giảm tầng nấc, giúp giải quyết công việc thuận tiện hơn.

Bà Trần Thị Thanh Thuỷ, ngụ phường 8, quận Phú Nhuận cho rằng, việc bỏ HĐND cấp phường là phù hợp với thực tiễn, vì đây chỉ là đơn vị thừa hành, không có quyền quyết định. Tuy nhiên, bà Thuỷ lại bày tỏ sự băn khoăn khi không còn tổ chức HĐND cấp quận thì liệu đại biểu HĐND cấp thành phố có sâu sát được với người dân không? Những vấn đề người dân phản ánh liệu có được giải quyết nhanh chóng?

Bà Thủy băn khoăn: “Có những việc để cho thành phố thì lâu, nhưng nhanh hay không còn phụ thuộc vào người cán bộ thực hiện. Thế nên cơ chế nào để giám sát thì phụ thuộc hoàn toàn vào tư cách đạo đức của cán bộ làm việc.”

Đồng tình với việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường, ông Trần Duy Trung, người dân phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho biết: Giai đoạn 2009 – 2016, TPHCM đã thí điểm việc này và người dân nhận thấy công việc vẫn trôi chảy. Tuy nhiên, để việc liên lạc giữa người dân và đại biểu HĐND cấp thành phố được thuận lợi, ông Trung đề nghị cần cung cấp cho người dân số điện thoại, địa chỉ email. Quan trọng hơn, các đại biểu HĐND thành phố, đại diện cho tiếng nói của người dân cũng phải dám nói thẳng, nói thật những vấn đề người dân phản ánh.

Ông Tùng nói: “Mong muốn của tôi là chúng ta chọn được những cán bộ chất lượng, có năng lực và phải có đạo đức. Đạo đức này không phải trên lý thuyết, thì lúc đó thành phố mới phát triển được”.

Giám sát, chống lạm quyền như thế nào?

Việc TPHCM chỉ còn HĐND cấp thành phố, trong khi khối lượng công việc nhiều, nhiều người lo ngại rằng, vậy việc giám sát, chống lạm quyền đối với chính quyền cấp quận, phường sẽ khó thực hiện. Về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Để thực hiện giám sát, chống lạm quyền, Quốc hội cho phép TPHCM tăng lên 19 đại biểu chuyên trách HĐND. Tuy nhiên, TPHCM cũng nên tổ chức các khu phố tự quản nhằm phát huy tính dân chủ trực tiếp để thực hiện vai trò giám sát.

Đại biểu HĐND thành phố sẽ tăng số lượng chuyên trách để thực hiện giám sát, bên cạnh các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Ông Trần Du Lịch khẳng định không phải thiếu chế định giám sát, mà đã có khá đầy đủ: “Ở cấp quận mà không có HĐND thì đại biểu HĐND cấp thành phố là đại diện trực tiếp ở đó, và họ thực hiện cả vai trò cơ quan giám sát. Kể cả việc tổ chức Viện kiểm sát, Toà án cấp quận, huyện thì giao trách nhiệm cho HĐND cấp thành phố. Về giám sát thì còn có vai trò của Mặt trận Tổ quốc, hệ thống chính trị, vấn đề tổ chức làm sao để các nơi này thực hiện tốt vai trò giám sát”.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM với 19 đại biểu chuyên trách, mỗi đại biểu sẽ thực hiện chuyên trách, giám sát một quận. Với các quyết định đầu tư công trung hạn 5 năm; dự toán thu chi ra sao đều do HĐND thành phố quyết định. Bởi vậy, cơ chế giám sát vẫn được thực hiện đầy đủ dù không còn HĐND cấp quận, phương; rút ngắn được thời gian quyết định công việc vì khi đó UBND cấp quận sẽ được phân cấp: “Quốc hội cho HĐND TPHCM số đại biểu chuyên trách tăng lên 19 người, để chia ra TPHCM có 19 quận, mỗi đại biểu chuyên trách một quận”.

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Quốc hội đã có nghị quyết cho phép các trưởng ban, phó ban HĐND thực hiện công tác chuyên trách, thuận lợi hơn trong việc giám sát. Chương trình giám sát của HĐND thành phố và phân công uỷ viên trong HĐND sẽ được phân bổ chi tiết cho từng quận, từng phường. Có đại biểu HĐND thành phố trực tiếp theo dõi, giám sát một số phường ở cấp quận.

Ngoài ra, thành phố còn có cơ chế phối hợp giám sát khác: “Giám sát của HĐND sẽ được kết hợp với giám sát của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Ký chương trình phối hợp giữa giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, đồng thời công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của thành phố. Như vậy thành phố 2 năm nay đã có chương trình đồng bộ hoá, giám sát, thanh tra, kiểm tra của 4 loại cơ quan để góp phần đồng bộ mà không bị trùng lắp."

Như vậy, cơ chế giám sát sau khi TPHCM bỏ HĐND quận, phường đã có và được chuẩn bị đầy đủ. Vấn đề còn lại là chất lượng thực hiện việc giám sát thế nào. Người dân mong mỏi vào việc khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì công việc sẽ trôi chảy, nhanh chóng hơn, nhưng đồng thời cũng phải lựa chọn những cán bộ có đức, có tài để vận hành được bộ máy hiệu quả như đúng mục tiêu đề ra./.


Duy Phương/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/chong-lam-quyen-nhu-the-nao-khi-tphcm-khong-to-chuc-hdnd-cap-quan-phuong-821695.vov

  • Từ khóa