Ký ức cựu phu nhân ngoại giao Indonesia từng sống trong thời chiến Việt Nam

Thứ 7, 26.12.2020 | 15:41:53
324 lượt xem

Là một nhân chứng sống với tư cách phu nhân cán bộ ngoại giao tại Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội, bà Sri Wilis Djati Soeroso đã ghi chép toàn bộ ký ức của mình trong một cuốn sách mang nhan đề “Ký ức không quên”.

Việt Nam và Indonesia đã cùng giành độc lập 75 năm trước (1945), trong đó có 65 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Vun đắp mối quan hệ hữu nghị khăng khít không thể không kể đến các thế hệ những người làm ngoại giao. Là một nhân chứng sống trong thời chiến ở Việt Nam với vai trò là phu nhân của một cán bộ ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội từ năm 1967-1972, bà Sri Wilis Djati Soeroso đã ngày ngày ghi chép toàn bộ ký ức của mình trong một cuốn sách mang tựa đề “Ký ức không quên”.

Bà Wilis giới thiệu sách

Bà Wilis giới thiệu sách "Hồi ức không quên" bằng tiếng Indonesia với 22 trang kỉ niệm

Tôi đến thăm bà Wilis Djati vào một ngày cuối tuần trong mùa mưa của quốc gia vạn đảo, thời tiết man mát lạnh như Hà Nội vào thu. Trong căn nhà rộng chừng 80m2 tại phía Nam thủ đô Jakarta, tiếng đàn Piano ngân vang giai điệu của bài hát Việt “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ” khiến phóng viên VOV không khỏi bồi hồi xúc động. Bà Sri Wilis Djati Soeroso, 82 tuổi, đôi chân đã chậm, đôi mắt đeo kính, lướt những ngón tay điêu luyện trên chiếc đàn piano đã cũ, say sưa đắm chìm vào những ký ức về những năm tháng sống ở Việt Nam. 48 năm đã trôi qua, người phụ nữ này vẫn lưu giữ toàn bộ “hồi ức không quên” trong quyển sách cùng tên, và có thể kể lại rành mạch, rõ ràng những kỉ niệm đã qua như chính tiếng đàn piano thánh thót của bà.

“Tôi đã sợ đến phát khóc khi lần đầu nghe tiếng loa phóng thanh “Đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội 70 cây số (bà Wilis nhắc lại câu nói bằng tiếng Việt) -60 cây số tới 30 cây số thì chúng tôi đều phải chạy xuống hầm trú ẩn phía đằng sau nhà. Trên các đường phố cũng có những hầm trú ẩn vừa cho 1 người. Dưới hầm vô cùng lạnh. Khi đã an toàn có tiếng còi báo hiệu thì chúng tôi mới ra khỏi hầm. Mỗi ngày ít nhất 4 lần còi báo động, bắt đầu từ 2 giờ sáng đã nghe thấy tiếng máy bay của Mỹ đến dội bom tại các con phố. Quả thật, dân tộc Việt Nam là dân tộc dũng cảm nhất trên thế giới khi đã chiến thắng một thế lực mạnh mà không hề được trang bị các vũ khí hiện đại” - bà Sri Wilis Djati Soeroso tâm sự.

Bà Sri Wilis Djati Soeroso

Bà Sri Wilis Djati Soeroso

Năm 1967, bà Wilis theo chồng nhận nhiệm vụ là Tham tán thông tin của Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội đến Việt Nam. Năm năm sống ở Việt Nam, gia đình bà được sự giúp đỡ tận tình của người dân bản địa. Những cái tên mà đến bây giờ bà vẫn có thể nói rõ bằng tiếng Việt như chị Bình, chị Nghiêm, chị Cao, Chị Nga (tên những người giúp việc trong gia đình bà) hay bác sĩ Toàn, người đỡ đầu cho đứa con trai đầu lòng của bà. Rồi cả những ngày đầu tiên sống trong cái lạnh của mùa đông Hà Nội, hòa cùng phong tục tập quán của người Việt Nam như đi lễ chùa đầu năm mới, gói bánh chưng, chứng kiến cảnh xếp hàng mua đồ thời bao cấp, may quần áo trái mùa…đều được bà trải nghiệm và ghi chép lại đầy đủ…Nhưng với bà, ký ức in đậm trong lòng và làm cho bà luôn xúc động nghẹn ngào, đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969).

Bà Wilis nhớ lại: “Tiếng kèn vang khắp nơi, người dân ai cũng khóc thương Bác Hồ như chính cha mẹ mình mất. Tất cả mọi người và cả người giúp việc của tôi mặc những chiếc áo trắng gắn băng tang đen, họ đều khóc nức nở. Hai bên đường người dân đứng xếp hàng dài để tiễn biệt lãnh tụ. Bản thân tôi cũng đã khóc vì xúc động.”

Chỉnh lại chiếc khăn hijab đội trên đầu của người Đạo Hồi, bà lại tiếp tục kể: “Suốt những ngày đầu tháng 9 năm 1969, Đài TNVN đã phát những bản nhạc buồn và các bài thơ về “Hồ Chủ tịch”, không khí ngoài đường rất buồn, chỉ có tiếng dép và tiếng xe cộ cùng tiếng người khóc thương.” Lần đầu tiên bà được chứng kiến tình cảm và sự tiếc thương của người dân Việt Nam, của bạn bè quốc tế dành cho vị lãnh tụ dân tộc kính yêu khi được đi cùng đoàn ngoại giao Indonesia do Tổng thống Indonesia ngày ấy, ông Soeharto dẫn đầu vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phóng viên đài VOVvà gia đình bà Wilis

Phóng viên đài VOVvà gia đình bà Wilis

Hiện nay, trong phòng khách gia đình bà Wilis vẫn lưu giữ những kỷ vật thời gian sống ở Việt Nam như những bức tranh sơn mài hình tháp rùa, hoa sen, những chiếc lọ gốm Việt men xanh trắng, thùng nhận thư riêng của gia đình bà khi ở Hà Nội. Tất cả những kỷ vật ấy tuy đã cũ theo năm tháng nhưng đều được bà nâng niu, lưu giữ cẩn thận, gợi nhớ về kỷ niệm với người chồng quá cố, một cán bộ ngoại giao kỳ cựu và về đất nước Việt Nam xa xôi. Những ký ức bà viết ra trên những trang giấy đã được các con của bà trân trọng, xuất bản thành sách và tặng cho bạn bè, người thân.

Ông Djadi Rekso Wibowo là con cả của bà Wilis chia sẻ: “Ban đầu, đây chỉ là quyển nhật ký của riêng mẹ tôi. Nhưng chúng tôi nhận ra rằng, đây chính là cầu nối quan hệ Việt Nam-Indonesia, thông qua việc bố mẹ tôi đã từng đại diện Indonesia làm việc tại Việt Nam, chứng kiến sự kiên cường của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, bom đạn, chứng kiến và được đi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Gia đình ông bà Wilis trong lễ kỷ niệm 25 năm quốc khánh Indonessia năm 1970 tại Hà Nội

Gia đình ông bà Wilis trong lễ kỷ niệm 25 năm quốc khánh Indonessia năm 1970 tại Hà Nội

Bà Sri Retno Wijanti - con út của bà Wilis chia sẻ: “Không được sinh ra ở Hà Nội như hai anh của mình nhưng tôi đã đọc kĩ và biên tập lại thành sách. Trong quá trình làm, tôi cũng tìm kiếm thông tin lịch sử, đặc biệt là tên các địa danh của Việt Nam trên mạng internet. Thêm vào đó những bức ảnh minh họa mà bố mẹ tôi đã chụp thời gian đó. Quyển sách này vừa là kỉ niệm của gia đình, cũng vừa là món quà mà chúng tôi dành tặng cho người thân, bạn bè và những người bạn Việt Nam.”

Gần nửa thế kỷ qua, cựu phu nhân ngoại giao Indonesia này vẫn muốn một lần được quay trở lại Việt Nam, đất nước ngày nay đã vươn mình phát triển, trở thành quốc gia có vị trí trong khu vực, gặp gỡ những người Việt đã luôn giúp đỡ, quí mến gia đình bà như những người thân.

Với bà, Việt Nam là một đất nước anh hùng, một dân tộc có những con người nhân ái. Bà vẫn luôn cầu chúc cho dân tộc Việt Nam và Indonesia ngày càng lớn mạnh, mối quan hệ bền chặt giữa Việt Nam-Indonesia do các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã vun đắp giữ gìn cho tới hôm nay sẽ ngày càng đơm hoa kết trái./.


Hương Trà/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/ky-uc-cuu-phu-nhan-ngoai-giao-indonesia-tung-song-trong-thoi-chien-viet-nam-826017.vov

  • Từ khóa