Những "trường hợp đặc biệt” sẽ được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ trước khi trình BCH Trung ương xem xét, quyết định.
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ TT-TT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho các cơ quan báo chí. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ TT-TT, các cơ quan báo chí và 300 học viên là phóng viên, biên tập viên.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: Trọng Phú)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ TT-TT cho biết, hội nghị nhằm tăng cường tuyên truyền sâu rộng để tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và đồng thuận, tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuối tháng 1/2021.
“Cơ quan quan báo chí cần chủ động công tác thông tin trước, trong và sau Đại hội, nhất là đưa nghị quyết của Đại hội Đảng vào cuộc sống bằng các tác phẩm chất lượng, hình thức phong phú, sinh động” - ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh và hy vọng rằng, các học viên là nhân tố tích cực lan toả nội dung tác phẩm về xây dựng Đảng, góp phần vào thành công chung của Đại hội Đảng lần thứ XIII".
Giảm nhân sự cấp uỷ góp phần giảm chi ngân sách
Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng- Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch COVID-19 và những thiệt hại nặng nề do bão lũ ở các tỉnh miền Trung đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống KT-XH và sự phát triển của đất nước nhưng công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vẫn được tiến hành nghiêm túc, đúng tiến độ và đã thành công tốt đẹp.
Kết quả trên là do BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ trong suốt quá tình chuẩn bị và tổ chức đại hội các cấp.
Liên quan đến chuẩn bị văn kiện, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, điểm mới của hầu hết các báo cáo chính trị nhiệm kỳ này là đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ đối với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng và thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn. Hầu hết các cấp uỷ đã coi trọng tổng kết thực tiễn; nghiên cứu dự thảo các văn kiện Đại hội XIII và của cấp trên để xây dựng văn kiện có tầm nhìn chiến lược hơn; nhiều nơi thể hiện ý chí khát vọng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương dự Hội nghị tập huấn. (Ảnh: Trọng Phú)
Về công tác nhân sự lần này cũng có nhiều điểm mới quan trọng, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp uỷ, quy trình công tác nhân sự và đặc biệt là thực hiện giảm 5% số lượng cấp uỷ viên cấp tỉnh, cấp huyện. Qua thực hiện cho thấy cấp tỉnh giảm 6,2%, cấp huyện giảm 11,6%, cấp cơ sở không quy định giảm nhưng thực tế đã giảm 12,5% và qua đó góp phần giảm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng/năm.
Điểm đáng chú ý là giao thường vụ cấp uỷ các cấp kết luận và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chính trị của nhân sự dự kiến tham gia cấp uỷ. Công tác thẩm định nhân sự có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (ở Trung ương là 8 cơ quan).
Đại hội lần này cũng thực hiện chủ trương bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Hiện cấp tỉnh có 27 người (chiếm 43%), tăng 68,8%; cấp huyện có 464 người (chiếm 65% và tăng 38%) và đều có tín nhiệm rất cao tại Đại hội.
Quy hoạch cán bộ chiến lược giảm gần 300 người
Về nhân sự khóa XIII, ông Nguyễn Đức Hà cho biết, số lượng cán bộ được quy hoạch BCH Trung ương khoá XIII ít hơn, chặt chẽ hơn so với khoá XII và việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cũng được đổi mới, hiệu quả hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khoảng 220 đồng chí, giảm gần 300 so với số quy hoạch khoá XII.
Việc quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 cũng được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ và trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho “các nhiệm kỳ tiếp theo” như nhiệm kỳ trước. Trong đó tiến hành quy hoạch BCH Trung ương trước, quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau và cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở đảm bảo số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số nhiệm kỳ này cũng tăng hơn so với nhiệm kỳ Đại hội XII.
“Đồng thời, Trung ương khẳng định quyết tâm chính trị rất cao trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh” - ông Nguyễn Đức Hà nói.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng- Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ tại Hội nghị. (Ảnh: Trọng Phú)
Việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được tiến hành chặt chẽ theo quy trình 5 bước và trình tự là chuẩn bị nhân sự tái cử BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là "trường hợp đặc biệt”.
Những "trường hợp đặc biệt” so với quy định chung sẽ cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng nhiều mặt thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trước khi trình BCH Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với Đại hội và BCH Trung ương khoá XIII. Ông Nguyễn Đức Hà cho biết, ở nhiệm kỳ khóa XII, có 4 "trường hợp đặc biệt" được giới thiệu tham gia Ban chấp hành Trung ương thì 3 người trúng cử là ông Đỗ Bá Tỵ (Phó Chủ tịch Quốc hội), ông Bùi Văn Nam (Thứ trưởng Bộ Công an) và ông Uông Chu Lưu (Phó Chủ tịch Quốc hội). Có 1 "trường hợp đặc biệt" được giới thiệu tham gia Bộ Chính trị khóa XII và đã trúng cử. Đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tổng số 1.590 đại biểu dự Đại hội XIII, trong đó có 194 đại biểu đương nhiên, 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu được chỉ định. Như vậy Đại hội lần này tăng 80 đại biểu so với khóa trước./.
PV/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/nhan-su-dai-hoi-dang-xiii-can-nhac-ky-truong-hop-dac-biet-827044.vov