Nhân dân - chủ thể và mục tiêu của sự phát triển đất nước

Thứ 2, 11.01.2021 | 08:59:05
485 lượt xem

Đảng ta không có lợi ích nào khác là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nhân dân là trên hết, vừa là chủ thể vừa là động lực và mục tiêu của cách mạng…

Trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này đã có những bổ sung lớn về vai trò của nhân dân khi bổ sung vào phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều này xác định nhân dân luôn là chủ thể, động lực và mục tiêu phát triển của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, nếu trong các nhiệm kỳ qua, Đảng ghi nhận quyền “làm chủ của Nhân dân” theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” cùng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì lần này Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII bổ sung thêm hai quyền rất quan trọng của nhân dân là “quyền giám sát, quyền thụ hưởng” theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 và các Quyết định 217, 218, 124, 99 của Bộ Chính trị… Đây là điểm nhấn quan trọng thể hiện tư tưởng “Vì dân, trọng dân, đề cao vai trò, vị thế, sức mạnh của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước”.

Bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: “Trong văn kiện bổ sung thêm dân giám sát, dân thụ hưởng, điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng đối với nhân dân…Nhân dân được quyền giám sát là chủ thể và là người phải được hưởng thành quả của xây dựng phát triển đất nước, tức là nhân dân là đích hướng tới của tất cả mọi chủ trương chính sách của Đảng, là kết tinh thể hiện rõ quan điểm nhất quán về vai trò là gốc của nhân dân”.

Ông Nguyễn Trung Đức, một đảng viên ở phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An nhận xét, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề cập toàn diện tình hình đất nước, đặc biệt là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII cũng như tổng kết thành tựu sau 35 năm đổi mới của đất nước. Trong đó vấn đề phát huy dân chủ của nhân dân, xác định rõ ràng nhân dân là vị trí trung tâm, là chủ thể, động lực và mục tiêu phát triển của đất nước.

“Dự thảo văn kiện bổ sung dân giám sát, dân thụ hưởng bên cạnh dân biết, dân làm, dân kiểm tra, cho thấy vấn đề dân chủ và quyền của nhân dân đã được Đảng chú trọng nhiều hơn, điều đó cũng khẳng định một chân lý rằng Đảng ta không có mục đích nào ngoài lợi ích dân tộc và cuộc sống của nhân dân”, ông Đức nói.

TS Lê Hữu Nghĩa. 

TS Lê Hữu Nghĩa. 

Tiến sỹ Lê  Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương cho rằng, Đảng ta luôn quán triệt dân là gốc, là chủ thể của mọi cuộc cách mạng, mọi hoạt động của đảng, nhà nước đều phải hướng tới đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của nhân dân: “Quán triệt dân là gốc, dân là trung tâm, là chủ thể của sự đổi mới và phát triển…cho nên tất cả mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị phải vì dân, gần dân, sát dân phải thực sự vì lợi ích của Nhân dân”.

Việc bổ sung bài học kinh nghiệm và phát triển nội dung mới về phát huy dân chủ là yêu cầu thực tế khách quan, hướng đến phát huy tốt hơn vai trò lãnh đạo của đảng, cũng như vai trò của nhân dân với công cuộc đổi mới… Theo nhiều chuyên gia, đảng viên và người dân, vấn đề là làm sao để quan điểm đổi mới của Đảng về quyền dân chủ của người dân được triển khai trong thực tế, tránh tính hình thức làm giảm uy tín của Đảng với nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm- chuyên viên Ban Tuyên giáo huyện ủy Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đặt vấn đề: “Lần này Đảng mở rộng quyền dân chủ trực tiếp của người dân bằng việc dân có quyền giám sát, quyền thụ hưởng. Thực sự đảng viên và nhân dân rất mừng vì điều đó nhưng cũng rất mong chờ sau Đại hội điều này phải được thể chế hóa cụ thể để tổ chức thực hiện tốt trong cuộc sống, tránh tình trạng văn kiện có ghi nhận nhưng thực tế ở cơ sở vì nhiều lý do khác nhau mà quyền dân chủ của nhân dân có thể bị hạn chế”.

Để nhân dân có thể thực hiện tốt các quyền của mình, trong đó có quyền giám sát, quyền được thụ hưởng và là chủ thể của sự phát triển, đòi hỏi các văn kiện cần được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách, thể chế hóa thành pháp luật và các chương trình hành động. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ đảng viên phải thực hiện tốt hơn trách nhiệm phụng sự nhân dân. Nhưng người dân cũng phải hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình để thực hiện cho tốt… Về nội dung này ông Nguyễn Thanh Sơn, Hội cựu chiến quận Đống Đa, Hà Nội nêu quan điểm: “Đảng, chính quyền phải thường xuyên xuống cơ sở để nắm rõ người dân đang cần gì, từ đó chúng ta mới có phương hướng mục tiêu cụ thể để làm đúng với nguyện vọng ý chí của nhân dân”.

“Đảng gần dân, dân hiểu Đảng, thực hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phải thấy rõ trách nhiệm của mình”, ông Nguyễn Ngọc Thanh, đảng viên Câu lạc bộ Thăng Long Hà Nội nhận định.

Việc nhấn mạnh vai trò của nhân dân, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển và trong toàn bộ tiến trình xây dựng đất nước thể hiện sự thấm nhuần quan điểm “Dân là gốc”, coi đây là sức mạnh của dân tộc, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết - dân chủ - kỷ cương và sáng tạo… sẽ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.


Sỹ Lý/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/nhan-dan-chu-the-va-muc-tieu-cua-su-phat-trien-dat-nuoc-829728.vov

  • Từ khóa