"Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ lần này là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân".
Sáng nay 21/1, Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội nghị được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội và trực tuyến tới 63 đầu cầu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ mới.
Các hoạt động tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vừa qua để lại ấn tượng tốt đẹp, đánh giá sâu sắc những thành tựu, kết quả nổi bật của Quốc hội Việt Nam trong suốt 14 nhiệm kỳ qua, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tại hội nghị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Cùng với sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ lần này là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thực sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử lần này, Ban Chấp hành TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Trung ương MTTQ Việt Nam xác định đây là một trọng những nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2021".
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45, ngày 20/6/2020, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hồi đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương đã khẩn trương ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đề ra.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan cần tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt phương hướng, nhiệm vụ của cuộc bầu cử, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao nhất và thật sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Toàn cảnh hội nghị
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Trong quá trình này, cần quan tâm quán triệt thật tốt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh; nhất là trong công tác cán bộ, lựa chọn bầu ra những đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực sự xứng đáng có đủ đức, đủ tài, đủ trình độ, ngang tầm nhiêm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045; kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hướng dẫn về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị
Tại quy định này có những điểm mới như: quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần 2 đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như đối với người ứng cử đại biểu HĐND phải đảm bảo số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn, lập danh sách sơ bộ. Danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ 3 phải đảm bảo có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6, điều 57 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Về việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri có 2 điểm mới: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác; những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, hội nghị đã truyền đạt đầy đủ tinh thần, nội dung cơ bản của các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành về cuộc bầu cử đến các đại biểu, các cơ quan và tổ chức hữu quan.
Kết quả của Hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và về vị trí, vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, trách nhiệm người đại biểu nhân dân để nhân dân lựa chọn bầu trong nhiệm kỳ tới. Qua đây cũng đề cao và phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, giúp các cấp, các ngành, địa phương tiến hành triển khai tổ chức tốt nhất các hoạt động bầu cử nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Cùng với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Ngay sau Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tỉnh, thành phố và các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt, đúng các mốc thời gian theo luật định về bầu cử, như: quyết định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Cuối tuần này, UBTV Quốc hội họp để thông qua cơ cấu để sau đó thông báo về các địa phương. Sau đó tiến hành việc ứng cử, hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lập và công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, trật tự, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử… để cuộc bầu cử bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực sự dân chủ, đúng phát luật, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới."
Việc triển khai công tác bầu cử trong thời gian tới là rất khẩn trương, khối lượng công việc rất lớn, diễn ra trong phạm vi rộng khắp toàn quốc và đúng vào dịp cả nước đang trong không khí chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, với sự tập trung lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc tích cực, đầy trách nhiệm của hệ thống chính trị sẽ tiến hành bầu cử diễn ra đúng quy định./.
Lê Tuyết/VOV.VN