Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Nông thôn đang thay da đổi thịt'

Thứ 5, 28.01.2021 | 09:31:34
421 lượt xem

Trong 10 năm qua, cả nước đã huy động trên 3 triệu tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Trình bày tham luận của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phiên thảo luận của Đại hội XIII chiều 27/1, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm, đã thúc đẩy nông thôn "thay da đổi thịt" hàng ngày, phát triển văn minh và hiện đại hơn.

Thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, từ mức 12,8 triệu đồng năm 2010 lên mức 43 triệu đồng/người năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%,...

Theo ông Cường, những năm qua nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập.

"Đặc biệt khi kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân", ông Cường nói.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 190 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Giang Huy

Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn, hiện đại được khởi công mới, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, tạo ra năng lực mới thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu.

Hiện nay, nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 190 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt trên 41 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra và cao hơn nhiều so với mức đạt hơn 30 tỷ USD của năm 2015.

"Việt Nam đã vào nhóm thứ nhất Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và khẳng định, những năm tới nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam, đang và sẽ tiếp tục tạo sinh kế bền vững, việc làm, thu nhập cho người dân và số đông lao động.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là sản xuất ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành.

Ngoài ra, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu, xảy ra trên cả 7 vùng kinh tế - xã hội, trong đó những vùng trọng yếu về sản xuất nông nghiệp chịu tổn thương lớn nhất, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển...

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức về "phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế".

Chính sách đất đai sẽ được hoàn thiện theo hướng quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân; thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cũng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Đức Quận, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết những năm qua, nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô, năng suất, giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích và cả nguồn nhân lực. Hiện giá trị sản xuất bình quân đạt 185 triệu đồng mỗi hecta một năm, tăng 27,5% so với năm 2016. Năng suất lao động trong nông nghiệp bằng 1,26 lần và giá trị sản phẩm trên 1 ha bằng 1,84 lần so với cả nước.

Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và lực lượng sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh với mô hình "doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết".

"Địa phương chúng tôi đã xuất hiện nông dân thế hệ mới, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, bỏ vốn đầu tư, chủ động khai thác thị trường, liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị, tham gia có hiệu quả vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước", ông Quận nói.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho hay, để hình thành một tư duy mới đòi hỏi sự chuyển đổi đồng bộ trong hệ thống chính trị, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến người nông dân.

Phương thức lãnh đạo, điều hành trong cơ chế "tư duy kinh tế nông nghiệp" phải bảo đảm theo quy luật cung - cầu, phát triển cả ba thị trường gồm thị trường giao ngay, thị trường doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) và thị trường tương lai.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn và phát triển các khâu, công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; phát triển hạ tầng thương mại phục vụ cho nông sản, đặc biệt là mô hình "kinh tế xanh", "kinh tế tuần hoàn" mà văn kiện Đại hội XIII đã định hướng...

"Cán bộ các cấp cần thường xuyên đi thực tế, tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã thông qua các buổi trò chuyện, hội thảo để định hướng, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm tốt vai trò người định hướng, người truyền lửa", ông Phong nhấn mạnh.


Hoàng Thùy/vnexpress.net

https://vnexpress.net/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-nong-thon-dang-thay-da-doi-thit-4227493.html

  • Từ khóa