Đài Phát thanh quốc gia Ai Cập đã tuyên truyền đậm nét về những đổi mới trong các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 5 năm tới và những kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế thời gian qua.
Chương trình phát thanh châu Âu của Đài phát thanh quốc gia Ai Cập đã dành thời lượng một tiếng để phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công về những đổi mới của Việt Nam trong 5 năm tới, những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội, phòng chống đại dịch covid-19 vừa qua nhất là những thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chương trình được phát trực tiếp tới thính giả Ai Cập, khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Qua đó, thính giả hiểu rõ hơn những thành công của Việt Nam từ năm 1975 tới nay và nhất là sau năm 1986 với một loạt các cải cách kinh tế và chính trị để Việt Nam phát triển mạnh mẽ ở khu vực và hội nhập tích cực kinh tế toàn cầu.
Đại sứ Trần Thành Công chia sẻ những thông tin về thành công của Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đại sứ Trần Thành Công nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua đã quyết định những vấn đề quan trọng về nhân sự và chiến lược phát triển đất nước. Trong đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong phát triển kinh tế, Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng sự phân công lao động và hợp tác kinh tế quốc tế, tích cực khai thác nguồn vốn, công nghệ và thị trường.
Hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định về nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Ngành Nông nghiệp từ khó khăn, hạn chế vào cuối những năm bảy mươi và đầu những năm tám mươi sau đó đã bùng nổ khi trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu có thị phần lớn toàn cầu như hạt tiêu đen, cà phê.
Việt Nam có một ngành du lịch phát triển, đóng góp 6% vào GDP của Việt Nam và đang trở thành một trong những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây. Chính phủ Việt Nam đang thực chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, phát triển thị trường, quảng bá và thương hiệu du lịch, phát triển “du lịch xanh” nhằm đưa du khách đến với môi trường tự nhiên với nhiều loại hình du lịch và dịch vụ.
Trong chính sách phát triển, Việt Nam coi đầu tư cho y tế là một đầu tư phát triển và nhà nước chủ trương phấn đấu để mọi người đều được chăm sóc sức khỏe. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế ngay tại cơ sở. Việt Nam đang chú trọng đầu tư cho ngành y tế ở mức cao hơn mức đầu tư hiện nay và đa dạng hóa các loại hình đầu tư (nhà nước, tư nhân, nước ngoài).
Đại sứ Trần Thành Công nói về những đổi mới và thành công của Việt Nam trên sóng phát thanh Ai Cập.
Việt Nam luôn coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu của đất nước, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục - đào tạo. Bên cạnh, tiếp thu kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là kinh nghiệm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ Việt Nam ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Đại sứ Trần Thành Công khẳng định trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, trong đó ưu tiên cho việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, với các nước và trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Nhiều Hiệp định, thỏa thuận quan trọng đã được ký kết như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định về biên giới trên bộ, Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định nghề cá với Trung Quốc, Hiệp định về phân định thềm lục địa với Indonesia... Những đóng góp đó đã từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định và tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Với Ai Cập, Việt Nam và Ai Cập có mối quan hệ hợp tác hữu nghị và đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi quan điểm nhất quán về các vấn đề quốc tế, khu vực và hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế nhằm đạt được lợi ích chung.
Hai bên sẽ tích cực triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký, đặc biệt là các văn kiện được ký nhân chuyến thăm cấp cao, chuẩn bị tốt cho Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ai cập lần thứ 6 (dự kiến vào tháng 6/2021) với các nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi bên. Hai nước cũng cần cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau./.
Ngọc Thạch - Tuấn Nguyễn/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/dai-ai-cap-tuyen-truyen-dam-net-thanh-cong-dai-hoi-xiii-cua-dang-835544.vov