Ông Ngô Sách Thực cho biết như vậy khi nói về việc lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về công tác bầu cử, các địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban bầu cử theo từng cấp. Đồng thời hướng dẫn, triển khai một số nội dung cơ bản của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; hướng dẫn triển khai các nội dung của hệ thống MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử…
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định. Đây là khâu quan trọng để Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban Bầu cử các cấp và địa phương lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp, đảm bảo số lượng, chất lượng, thể hiện đúng cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời gian này, sẽ diễn ra các hoạt động tiếp xúc vận động bầu cử, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử.
Ông Ngô Sách Thực (Ảnh: Thi Uyên)
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về vấn đề làm gì để phát huy tốt vai trò của MTTQ trong thực hiện thành công cuộc bầu cử.
PV: Thưa ông, lựa chọn giới thiệu ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sẽ qua các bước hiệp thương như thế nào?
Ông Ngô Sách Thực: Việc lựa chọn giới thiệu ứng cử viên chuẩn bị cho công tác hiệp thương là công việc rất quan trọng và cần phải chuẩn bị chu đáo. Trung ương MTTQ căn cứ vào luật bầu cử ĐBQH, Luật tổ chức quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản triển khai đã có kế hoạch xây dựng các cuộc hiệp thương, trong đó sẽ tổ chức 3 cuộc hiệp thương.
Luật đề ra tiêu chuẩn đối với các đại biểu, chú trọng chọn đại biểu sau 3 lần hiệp thương, phải đảm bảo số dư cho mỗi đơn vị bầu cử; số dư này cũng phải bảo đảm về tiêu chuẩn, để người dân lựa chọn được người xứng đáng, chứ không lựa chọn người không đủ tiêu chuẩn để đưa vào danh sách để làm "quân xanh, quân đỏ", như vậy không đúng tinh thần chỉ đạo.
PV: Theo ông, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với các ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp có tác động như thế nào đối với quy trình hiệp thương để lựa chọn ứng cử viên?
Ông Ngô Sách Thực: Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri rất quan trọng để lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và thực sự tiêu biểu. Luật quy định những người được giới thiệu ra bắt buộc phải thông qua hội nghị cử tri của cơ quan, nơi làm việc của người được giới thiệu, kể cả tự ứng cử. Thứ hai phải được thông qua ở Hội nghị cử tri nơi anh thường trú, cư trú, nơi mình sinh sống.
Điểm mới của kỳ này, theo Nghị quyết của Quốc hội, tại Hội nghị nơi công tác hoặc nơi làm việc, nơi cư trú không đạt được trên 50% số người cử tri giới thiệu thì cũng không được đưa vào danh sách. Trong quá trình hiệp thương, Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 phải báo cáo toàn bộ quá trình lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri nơi công tác. Như vậy quy định lần này xác định việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri là khâu rất quan trọng để sàng lọc ra các đại biểu đủ tiêu chuẩn, những người thực sự tiêu biểu.
PV: Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam sẽ tập trung giám sát vấn đề gì để tổ chức thành công cuộc bầu cử đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật?
Ông Ngô Sách Thực: Theo luật quy định, trách nhiệm của MTTQ là bám sát cuộc bầu cử để góp phần mang lại thành công cho cuộc bầu cử. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, thông tri bám sát vào chương trình, nội dung của Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 8 nội dung, trong đó có nội dung để tổ chức tốt các hội nghị cử tri, để hướng dẫn.
Để các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu được người thực sự tiêu biểu, trước khi hiệp thương phải tổ chức hội nghị phổ biến để các cơ quan, tổ chức, đơn vị thấy rõ được quy định của pháp luật, thực hiện đúng, đầy đủ các bước thì mới lựa chọn được người tiêu biểu và có sự tham gia đóng góp của đông đảo cử tri. Đây là bước rất quan trọng để phát hiện những người không đủ tiêu chuẩn. Trong kỳ này, 5 tiêu chuẩn được đặt ra khá cụ thể: trung thành, có năng lực, trí tuệ để gánh vác nhiệm vụ của người đại biểu; có bản lĩnh để đại diện cho tiếng nói của cử tri; có điều kiện hoạt động, lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của cử tri để có thể thực hiện được chức trách người đại biểu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Đỗ Minh/VOV.VN