Quá trình hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên cần bám sát tiêu chuẩn đại biểu để “cọ xát” về chất lượng người được giới thiệu ứng cử.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương. Đây là khâu quan trọng để Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban Bầu cử các cấp và địa phương lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp, đảm bảo số lượng, chất lượng, thể hiện đúng cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm tốt chức năng hiệp thương sẽ góp phần cho khóa tới có được đội ngũ cán bộ quản lý được nhân dân tin tưởng.
Ông Ngô Sách Thực (Ảnh: Thi Uyên)
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trong thời gian này, sẽ diễn ra các hoạt động tiếp xúc vận động bầu cử, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử. MTTQ cần phát huy chức năng nhiệm vụ để hiệp thương lựa chọn ra những ứng cử viên sáng giá, đủ tài, đức để người dân tin tưởng lựa chon đối với cuộc bầu cử này.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị trong quá trình hiệp thương lựa chọn các ứng cử viên Ủy ban mặt trận Tổ quốc cần bám sát tiêu chuẩn đại biểu để “cọ xát” về chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Trong đó, vấn đề hàng đầu là hoạt động của đại biểu. Ngoài học vấn thể hiện qua cấp độ được đào tạo, trong lãnh đạo nên kết hợp với việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi làm việc, địa bàn hoạt động, nơi cư trú để nắm bắt được tinh thần, thái độ công tác, kết quả công việc cụ thể, mức độ gắn kết với nhân dân, đạo đức, tư cách của người được giới thiệu ứng cử, hết sức tránh hình thức, "ngợp" về bằng cấp, những lời nói hoa mỹ... mà không biết rõ thực hư công việc, đạo đức, lối sống ra sao.
Theo ông Trần Văn Hùng, nguyên Chủ tịch HĐND TP Nam Định tỉnh Nam Định, người dân rất muốn những bức xúc thiết thực cần được giải quyết và đặc biệt là những vấn đề tồn tại trong nhiều năm thì Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát quy trách nhiệm rõ ràng. Vì thế, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp phải lựa chọn được những ứng cử viên có đức, có tài, để cử tri bầu ra những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
"Thước đo của các vị đại biểu đó là năng lực, là sự gắn kết với dân, đó là vì dân công tác. Vì thế, công tác theo dõi, đánh giá và sàng lọc tiêu chí phẩm chất đạo đức và năng lực ứng cử viên cần phải làm hết trách nhiệm", ông Hùng nêu quan điểm.
GS.TS Trần Ngọc Đường
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đại biểu Quốc hội là yếu tố cấu thành Quốc hội, đại biểu Quốc hội chất lượng yếu thì hoạt động của Quốc hội không thể mạnh.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, không vì cơ cấu mà giảm chất lượng. Qua các kỳ bầu cử Quốc hội, sau quá trình đổi mới, chất lượng Quốc hội là hết sức quan trọng. Bởi hoạt động Quốc hội ngày càng quyết định vấn đề rất trọng đại đất nước, rất khó khăn. Đặc biệt trong hoạt động lập pháp, những luật mới, tư duy mới, nếu đại biểu không có năng lực, tầm nhìn, không có kiến thức thì khó đưa ra các quyết định đúng đắn", GS.TS Trần Ngọc Đường nêu rõ.
Danh sách những người ứng cử ĐBQH khoá XV, và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đảm bảo quy trình lựa chọn, giới thiệu thực sự dân chủ, công khai và chặt chẽ dựa trên ý kiến, nguyện vọng của cử tri, của nhân dân đối với những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Quy trình lựa chọn, giới thiệu đó với sự sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện là quyền phúc quyết của cử tri, của nhân dân thì không bao giờ thay đổi, là con đường duy nhất bảo đảm cho thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV - Quốc hội của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế./.
PV/VOV.VN