Thủ tướng yêu cầu nỗ lực để có vaccine Covid-19 ngay trong tháng 2

Thứ 3, 16.02.2021 | 09:38:19
411 lượt xem

Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp phải được đẩy cao hơn một bước, trong đó có việc đẩy nhanh việc nhập khẩu để có vaccine phục vụ người dân ngay trong tháng 2 này.

Thủ tướng họp trực tuyến với 26 địa phương về phòng, chống Covid-19 (Ảnh: VGP)

Thủ tướng họp trực tuyến với 26 địa phương về phòng, chống Covid-19 (Ảnh: VGP)

Chiều 15/2, tức mùng 4 Tết Nguyên Đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 26 địa phương về phòng, chống Covid-19.  

Báo cáo tại cuộc họp, về ca bệnh người Nhật Bản, 54 tuổi, chuyên gia Công ty TNHH Mitsui, Việt Nam, đã qua đời, xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, nồng độ virus của trường hợp này khá cao, nên đưa ra hai giả thiết. Giả thiết thứ nhất là mới lây nhiễm và có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội và không phải là F0. Bên cạnh trường hợp này, Hà Nội cũng phát hiện thêm hai trường hợp nữa cùng công ty với ca người Nhật Bản cũng cho kết quả xét nghiệm có nồng độ virus cao. Do đó, nhiều khả năng mới bị lây nhiễm từ 5-7 ngày trước đó. Bộ đang cho giải trình tự gen và sẽ cho kết quả sau 48 giờ, khi đó mới xác định được chủng virus của bệnh nhân này.

Giả thiết thứ hai là ca bệnh này lây nhiễm từ khu cách ly (cách ly tập trung tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM từ 17 đến 31/1 sau khi nhập cảnh vào Việt Nam). Dù có khả năng nhưng theo ông Nguyễn Thanh Long, giả thiết này có mức độ xảy ra thấp, vì 34 người khác cùng đi với bệnh nhân người Nhật và cùng cách ly tại khách sạn đó đều có kết quả âm tính.  

Đối với tình hình dịch bệnh tại Hải Dương, Bộ Y tế đánh giá, tình hình khá lo ngại, nhất là các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách, do tiếp tục có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và không ngắt được chuỗi lây nhiễm. Dù đến nay đã xét nghiệm hơn 90.000 mẫu nhưng tốc độ truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng chậm hơn tốc độ lây nhiễm của dịch. Trong khi đó, việc cách ly với F1 gặp khó khăn do số lượng rất lớn.  

Bộ trưởng Y tế báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Y tế báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: VGP)

Trước những rủi ro lây lan dịch tại các khu cách ly dân sự hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đề nghị: "Trong điều hành cách ly vừa rồi chúng ta sử dụng toàn bộ cơ sở dân sự, chúng tôi cho rằng không đáp ứng, không đảm bảo nguyên tắc cách ly, vẫn có sự giao lưu, tụ tập nên số xét nghiệm dương tính tăng trong mấy ngày vừa rồi. Chúng tôi đề nghị giao toàn bộ điểm cách ly lớn cho quân đội quản lý toàn bộ, từ quản lý, vận hành đến giám sát".  

Quân đội đảm nhận khu cách ly tập trung

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhờ tinh thần chủ động, áp dụng các biện pháp quyết liệt, kịp thời, nên với đợt dịch thứ 3 này, hầu hết các địa phương đã kiểm soát được dịch. Nhiều địa phương như Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang…hơn một tuần vừa qua không xuất hiện ca mắc mới. Thủ tướng biểu dương Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo, làm việc xuyên Tết để có kết quả đó. Thủ tướng biểu dương ngành y tế đã tăng cường nhiều cán bộ của trường, viện, các cơ quan đơn vị để tăng cường lực lượng cho các địa phương phòng, chống dịch.

Thủ tướng kết luận tại cuộc họp (Ảnh: VGP)

Thủ tướng kết luận tại cuộc họp (Ảnh: VGP)

"Nhiều bệnh viện làm việc suốt thời gian Tết. Trong đó có hình ảnh nữ bác sĩ Bạch Mai gác lại việc gia đình, gửi con, tạm biệt chồng qua điện thoại, xung phong ở lại tâm dịch cho đến khi hết dịch đã thực sự làm xúc động mọi người. Tại hội nghị toàn ngành y tế vừa qua vào ngày 28 Tết, tôi cũng nêu một số tấm gương khác, nhiều đồng chí đã đi nhiều ổ dịch để chỉ đạo như bác sĩ Trần Như Dương hay bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế…, hết dịch mới về. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao các địa phương chủ động dừng mọi hoạt động tập trung đông người như lễ hội, bắn pháo hoa. Cán bộ trực xuyên Tết chỉ đạo, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Đặc biệt Tết không xa nhà với hàng triệu người. Nhiều công nhân phía Nam không về phía Bắc và miền Trung ăn Tết. Nhờ vậy nhân dân được đón Tết an vui và chuẩn bị quay trở lại làm việc bình thường".

Yêu cầu các địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Thủ tướng chỉ đạo phản ứng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, tinh thần là khoanh vùng nhanh, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, nhất là các ổ dịch ở các thành phố lớn có khả năng lây lan nhanh.

"UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết là 20 tỉnh, trong đó 13 tỉnh xuất hiện ổ dịch và 7 tỉnh biên giới, có chương trình hành động cụ thể, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 phù hợp hoàn cảnh địa phương mình. Nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời như tỉnh Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số địa phương khác đã chỉ đạo. Đồng ý dừng các lễ hội, các hoạt động tôn giáo tập trung đông người. Xem xét việc đi học cụ thể ở các địa phương, có thể dừng không đi học, có thể học trực tuyến. Bộ Giáo dục phối hợp các địa phương thực hiện chủ trương này. Hạn chế đi chúc Tết du xuân trong những ngày đầu tháng Giêng này. Đặc biệt là thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng. Không tụ tập đông người. Thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, trong đó các nhà máy xí nghiệp phải có phương án chống dịch trước khi bắt tay vào sản xuất. Các cơ quan chức năng, nhất là các địa phương và ngành y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, thúc đẩy hoạt động trực tuyến. Tiếp tục rà soát chặt chẽ, triệt để các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh nhập cảnh trái phép, truy vết thần tốc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và cách ly y tế. Ngành y tế và các địa phương và các bệnh viện xét nghiệm lại các chuyên gia một cách nghiêm túc", Thủ tướng đề nghị.

Đối với các khu cách ly, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không để lây chéo. Giao lực lượng quân đội đảm nhận các khu cách ly tập trung.

Với các địa phương dịch diễn biến phức tạp như Hà Nội, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực và vật lực để nhanh chóng dập dịch. Thủ tướng cũng đồng ý để Hải Dương giãn cách xã hội, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng để ngăn chặn dịch hiệu quả hơn. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì cách ly một số khu vực, khu phố nếu thấy cần thiết.

Từ ca bệnh người Nhật Bản (tử vong tại khách sạn và bị mắc Covid-19), Thủ tướng chỉ đạo tăng cường khai báo y tế, siết lại công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú, có quy trình chuẩn xử lý các ca ghi ngờ mắc Covid-19. Bộ Y tế nghiên cứu cách tiếp cận chống dịch mới trong tình hình mới. Nhanh chóng giải mã trình tự gen đối với chủng virus mới để có giải pháp phù hợp.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà lại quy trình phòng dịch, đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, tránh để hiểu sai, gây hoang mang, nhưng không để người dân chủ quan. Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp để đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp khai báo y tế, trong đó có việc cài đặt các phần mềm giúp truy vết khi cần thiết trên cơ sở không gây lộ, lọt thông tin cá nhân. Ngành y tế xem xét khả năng cung cấp dịch vụ xét nghiệm Covid-19 theo nhu cầu để đồng chi trả, để nhà nước và nhân dân cùng đóng góp.

(Ảnh: VGP)

(Ảnh: VGP)

Nhanh chóng nhập khẩu vaccine

Yêu cầu nhanh chóng nhập khẩu vaccine, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Tiếp tục khẩn trưởng chỉ đạo nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân; thúc đẩy nhanh thử nghiệm các vaccine sản xuất trong nước. Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của Chính phủ. Trong tháng 2 phải có vaccine từ nguồn viện trợ và nguồn mua, đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine; phối hợp Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính; xác định đối tượng cần ưu tiên tiêm. Những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng ý để Bộ Y tế thực hiện Điều 26 của Luật Đấu thầu. Thủ tướng đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định sớm để có vaccine ở Việt Nam với các nguồn khác nhau. Đối tượng, giá cả, chất lượng,…, giao Bộ trưởng Bộ Y tế xử lý, cần thiết báo cáo Thường trực Chính phủ".

Thủ tướng cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vaccine. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, phương án cuối cùng phải được trình duyệt sớm.

Về vấn đề đi học, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình hình dịch bệnh và phối hợp với các địa phương để quyết định phương án phù hợp, cần thiết có thể học trực tuyến. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương có biện pháp hỗ trợ người dân trong lưu thông hàng hóa, không để hàng hóa ùn ứ, gây thiệt hại cho người dân./.


Vũ Dũng/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-yeu-cau-no-luc-de-co-vaccine-covid-19-ngay-trong-thang-2-837356.vov

  • Từ khóa