Chiều nay (19/2), đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn làm việc tại Lạng Sơn. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo một số sở, ngành và UBND các huyện: Chi Lăng, Tràng Định.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe báo cáo về khả năng phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm mật ong hoa ngũ gia bì của huyện Chi Lăng; tổ chức phát triển vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến sản phẩm thạch đen của huyện Tràng Định.
Cụ thể: sản phẩm mật ong ngũ gia bì của huyện Chi Lăng có sản lượng trên 3.000 lít/năm, tập trung chủ yếu ở xã Vân Thủy. Sản phẩm có lượng vitamin B cao hơn các loại mật ong khác, có giá trị cao về dinh dưỡng cũng như dược học. Những năm gần đây, giá trị mật ong ngũ gia bì trên thị trường đã được nâng lên, người dân trên địa bàn huyện đã có ý thức bảo vệ loại cây này. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có hợp tác xã sản xuất, kinh doanh mật ong ngũ gia bì. UBND huyện Chi Lăng đã thực hiện đăng ký nhãn hiệu tập thể và có tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Còn cây thạch đen của huyện Tràng Định có sản lượng từ 7.000 đến 11.000 tấn/năm. Thạch đen Tràng Định hiện có 3 sản phẩm chính gồm: thạch đen khô, bột thạch, sản phẩm thạch đen ăn liền truyền thống. Năm 2020, nguồn thu từ cây thạch trên địa bàn đạt 240 tỷ đồng. Những năm gần đây, huyện Tràng Định đã chú trọng mở rộng diện tích, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ thạch đen.. Để bảo hộ giống thạch đen Tràng Định, cấp ủy, chính quyền huyện đã phối hợp nghiên cứu, khảo nghiệm và được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới đối với thạch đen huyện Tràng Định. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho sản phẩm thạch đen.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác đã làm rõ giá trị dược liệu, dinh dưỡng, kinh tế của cây ngũ gia bì, mật ong ngũ gia bì, thạch đen và thông tin về giá trị xuất khẩu sản phẩm, vấn đề phát triển vùng nguyên liệu, nhân giống, quản lý vùng nguyên liệu, phòng chống bệnh hại, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Đồng thời đưa ra gợi ý về chiến lược phát triển sản phẩm mật ong ngũ gia bì, quy trình công nghệ để ổn định chất lượng mật ong, công nghệ sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen…
Đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trưởng đoàn công tác đề nghị: Đối với sản phẩm mật ong ngũ gia bì, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục nghiên cứu về quy hoạch, tổ chức và quản lý sản xuất; tiếp tục nghiên cứu các chỉ số để có những công bố quốc gia, quốc tế,; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Đối với sản phẩm thạch đen, tỉnh cần quan tâm đến dự án phát triển vùng nguyên liệu; bảo đảm quy trình sản xuất sạch, hình thành các tổ hợp tác để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm; quan tâm đến công nghệ chế biến, bảo quản; đặc biệt chủ động nghiên cứu khả năng phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, định hướng của đoàn công tác, tiếp tục nghiên cứu, phát triển vùng nguyên liệu mật ong của Chi Lăng và thạch đen của huyện Tràng Định, trước hết phải thực hiện nhanh quy trình xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với 2 sản phẩm này.
Đồng chí mong muốn đoàn công tác sẽ quan tâm đến các sản phẩm nông – lâm nghiệp khác của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.
THỤC QUYÊN/baolangson.vn