Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khuyến nghị với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với sứ mệnh hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cần tập hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế cùng hành động quyết liệt với các giải pháp căn cơ để ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch luân phiên tháng 02/2021 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tối 23/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ đối với hoà bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Liên Hợp Quốc, nhiều lãnh đạo của nhiều quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất các giải pháp căn cơ với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).
Với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ đối với hoà bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”, hội nghị tập trung thảo luận các nội dung đánh giá nỗ lực tăng cường, thích ứng với BĐKH giúp ngăn ngừa nguy cơ xung đột và hỗ trợ xây dựng hòa bình, ổn định tại các quốc gia, khu vực; vai trò của quản trị khí hậu toàn cầu/đóng góp do các quốc gia tự quyết định/kế hoạch thích ứng quốc gia trong giải quyết các nguy cơ xung đột liên quan đến khí hậu; đóng góp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) đối với tiến trình hợp tác khu vực và liên quốc gia nhằm giải quyết nguy cơ ứng phó với xung đột liên quan BĐKH; lồng ghép BĐKH và các vấn đề an ninh vào chương trình nghị sự của HĐBA; vai trò của HĐBA trong giải quyết các nguy cơ an ninh liên quan đến khí hậu.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thể hiện vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH, thách thức toàn cầu hàng đầu hiện nay.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng, biến đổi khí hậu khiến nhiều quốc gia chịu thiệt hại nặng nề, nhất là các quốc gia phát triển dựa nhiều vào nông nghiệp, khiến người dân gặp nhiều khó khăn, dễ gây ra hệ lụy khác của xã hội. Biến đổi khí hậu có thể gây ra sự bất bình đẳng xã hội, tổn thương nhiều đến phụ nữ và trẻ em.
Ông António Guterres nói: “Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những người bị tổn thương sâu sắc của biến đổi khí hậu, trong đó có những gia đình nhiều thế hệ ở châu Phi. Rõ ràng đây là vấn đề an ninh toàn cầu, do đó phải tăng cường phòng chống tác động do biến đổi khí hậu, phải nhanh chóng thực hiện các thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận Paris, tiến tới phát thải khí cacbon bằng 0 khi kết thúc thế kỷ này; thúc đẩy mức đóng góp tự nguyện của các quốc gia để giảm khí thải các bon. Bên cạnh đó, các thể chế tài chính, kinh tế cũng cần có kế hoạch và chiến lược cụ thể gắn với biến đổi khí hậu. Mục tiêu này còn nhiều việc phải làm và các quốc gia tham dự cần làm gương và tiên phong, vì lợi ích của người dân và trái đất chúng ta.
Theo đó, chúng ta phải nhanh chóng hành động để bảo vệ các quốc gia và cộng đồng chịu tác động của biến đổi khí hậu, giúp họ tăng cường sức chống chịu thông qua tăng cường đầu tư, thông qua các quỹ hay ngân hàng đa phương. Những quỹ này cần đảm bảo để các quốc gia có thể tiếp cận được. Các quốc gia cũng phải duy trì cam kết của mình để tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho mục tiêu khắc phục biến đổi khí hậu”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Chính phủ Anh và Thủ tướng Boris Johnson, Chủ tịch luân phiên tháng 02/2021 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc tổ chức hội nghị này, đồng thời đánh giá cao Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, các báo cáo viên khác đã nêu nhiều thông tin, khuyến nghị hữu ích và thiết thực trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nêu rõ, trái đất, hành tinh xanh, ngôi nhà chung của chúng ta đang phải chịu những tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu. Năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử hiện đại với những tác động dồn dập, nghiêm trọng của lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, nước biển dâng, cùng với đó là bùng phát khủng khiếp chưa từng có của đại dịch Covid-19.
Tất cả những điều tồi tệ này đã đè nặng lên đời sống chính trị, kinh tế xã, hội của các quốc gia, gây thất nghiệp, đói nghèo, đe dọa sinh kế hàng trăm triệu người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn hoặc làm trầm trọng hơn các xung đột hiện có ở không ít quốc gia, khu vực, từ đó đe doạ môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, chính xung đột và bất ổn lại là căn nguyên làm suy yếu thêm năng lực tự cường của các quốc gia, tước đi những nguồn lực quý báu lẽ ra được dành cho ứng phó với các thách thức biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khuyến nghị với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với sứ mệnh hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cần tập hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế cùng hành động quyết liệt với các giải pháp căn cơ để ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đó, cần có cách tiếp cận toàn diện, cân bằng khi xử lý mối liên hệ giữa các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên toàn cầu, nhất là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như nghèo đói, bất bình đẳng, hành động chính trị cường quyền và can thiệp, áp đặt đơn phương. Tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế phải thực sự trở thành chuẩn mực hành xử của các quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Để thực hiện hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững (SDG-2030), Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (COP-21), Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần dành thêm nguồn lực để hỗ trợ các nước đang phát triển, chậm phát triển, quốc đảo nhỏ, nước không có biển đang phải chịu tác động biến đổi khí hậu nặng nề nhất nhưng lại thiếu nghiêm trọng về chuyên môn, nguồn lực. Rất mong HĐBA tiếp tục tăng cường năng lực cảnh báo, trung gian hòa giải, ngăn ngừa và giải quyết xung đột tại các khu vực, trong đó có phương thức thông qua hợp tác chặt chẽ với các tổ chức khu vực. Để giải quyết hài hòa mối liên hệ giữa khí hậu và an ninh, cần tiếp tục bảo đảm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ và trách nhiệm chủ đạo của quốc gia. Lợi ích chung của cộng đồng và mọi người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương phải được đặt ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc gia và toàn cầu”.
Trước tác động nặng nề của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, do đó chủ động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu là chủ trương lớn, quyết tâm chính trị cao của Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu (SDG-2030, COP-21) và ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu tại Hội đồng Bảo an và các diễn đàn đa phương khác. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ nguồn lực của cộng đồng quốc tế để thực hiện tốt hơn các cam kết của mình. Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và tích cực ủng hộ hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc. Dù thế giới đang phải căng ra để ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng hưởng ứng lời kêu gọ của Liên Hợp Quốc, tạo lập hòa bình với thiên nhiên là nhiệm vụ trọng tâm của thế kỷ 21, chúng ta cần tăng cường hành động và đoàn kết quốc tế. Tôi tin rằng, những thách thức của biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể là động lực của sự thay đổi, góp phần xây dựng một tương lai hòa bình và phát triển bền vững hơn các thế hệ mai sau”.
Tại hội nghị, lãnh đạo và đại diện các nước thành viên HĐBA chia sẻ quan ngại chung về những tác động nghiêm trọng và đa chiều của BĐKH, khẳng định mối liên hệ giữa BĐKH và tình trạng bất ổn, xung đột, đồng thời bày tỏ mong muốn và đề xuất các giải pháp nhằm giúp HĐBA phát huy vai trò, tiếng nói phù hợp trong giải quyết những thách thức của BĐKH đối với hòa bình, an ninh quốc tế./.
Vũ Dũng/VOV.VN