Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân.
Ngày 25/2, Bộ Công an đã chính thức khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân.
Theo Luật Cư trú (sửa đổi), sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ chấm dứt vai trò khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân.
Bộ Công an phấn đấu cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7/2021
Về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân: Sau một thời gian triển khai, đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Từ dữ liệu dân cư đã thu thập nên người dân không phải mang bất kỳ loại giấy tờ (cắt giảm chi phí in tài liệu cho dân); Cán bộ thu nhận không phải đánh máy nhập liệu (tiết kiệm thời gian cho cán bộ thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân).
Cán bộ thu thập thông tin, cấp CCCD gắn chíp ở Sơn La (Ảnh: VOV- Tây Bắc)
Đối với Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, để phục vụ triển khai việc cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chíp, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06 ngày 23/01/2021 quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân. Thẻ Căn cước công dân có nhiều điểm mới so với thẻ Căn cước cũ, trong đó đáng lưu ý là việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin liên quan, đồng thời thay thế việc lấy vân tay phẳng bằng vân tay lăn, sử dụng thẻ chip điện tử vì tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn so với các loại khác, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng; đầu tư ứng dụng nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng tàng thư phòng, chống tội phạm. Đối với ứng dụng nhận dạng tròng mắt, ADN và giọng nói sẽ có thiết kế mở để khi điều kiện phù hợp sẽ thực hiện đầu tư.
Từ đầu năm 2021, thực hiện thu thập được gần 600.000 hồ sơ cấp Căn cước công dân và tiến hành sản xuất, in thẻ Căn cước công dân có gắn chip điện tử cho người dân trên toàn quốc. Bộ Công an phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến trước ngày 1/7/2021 cấp 50 triệu thẻ đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ.
Bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử
Khi 2 Hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thống tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Các dữ liệu đã dùng để thực hiện thủ tục hành chính sẽ được tra cứu, khai thác, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ: giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ; các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân. Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ/năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng khảo sát thực tế triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC tại tỉnh Thái Nguyên tháng 9/2020. - Ảnh: VGP
Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống chính thức đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về An ninh trật tự, quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Việc khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một mốc lớn, là bước tiến quan trọng của chúng ta trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng.
Việc hoàn thành xây dựng 2 hệ thống nêu trên thể hiện quyết tâm lớn lao, nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, các bộ, ngành, cơ quan trong triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Hộ tịch, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp và cũng là kết quả thiết thực, một công trình lớn, quan trọng chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực./.
PV/VOV.VN