Người ngoài Đảng, hay người tự ứng cử tỷ lệ tham gia Quốc hội từ 5-10%, khoảng 25-50 người. Sau hiệp thương lần thứ nhất, vẫn chưa đạt được tỷ lệ 10%. “Cửa” dành cho người tự ứng cử là thoải mái.
Chia sẻ với báo chí về một số nội dung liên quan công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, 63 tỉnh thành đã có báo cáo, trong đó, 48 tỉnh thành đều đồng ý về cơ cấu, số lượng đại biểu, 15 tỉnh có kiến nghị về nhiều vấn đề, trong đó có một số tỉnh kiến nghị về cơ cấu, một số tỉnh kiến nghị tăng số lượng đại biểu.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao đổi với báo chí về công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HDND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc một số địa phương kiến nghị phải giảm số đại biểu ở Trung ương gửi về? Có phải là đại biểu hoạt động không thực chất với tình hình địa phương không?
Ông Hầu A Lềnh: Tôi không nghĩ thế. Đây là ý kiến của địa phương mong muốn đại biểu ở địa phương tăng lên, giảm số ở Trung ương gửi về để tổng số lượng không thay đổi. Mục đích là như thế chứ không phải vì hiệu quả hay không. Đại biểu Quốc hội ở đâu cũng hoạt động được.
PV: Việc phân bổ đại biểu ở Trung ương về địa phương có thể sẽ khiến đại biểu thiệt thòi vì họ phải qua một nơi khác bầu, dễ bị mất phiếu?
Ông Hầu A Lềnh: Đấy là tâm tư chung. Còn việc gửi từ Trung ương về địa phương là đương nhiên bởi anh được thiết kế theo các đoàn địa phương chứ không có đơn vị bầu cử riêng ở Trung ương. Việc anh được đưa về địa phương là để anh khẳng định vị trí, uy tín của mình.
Trước khi được đưa vào danh sách chính thức để đưa ra bầu cử anh còn có cơ hội để tiếp xúc với cử tri nơi đó. Rồi tùy thuộc vào chương trình hành động của anh và những hoạt động hiện nay trên cương vị công tác, anh có được người dân tín nhiệm hay không. Như thế theo tôi mới là dân chủ, người dân lựa chọn anh nếu họ thấy anh xứng đáng.
PV: Một điểm mới ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội lần này là cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội. Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội không thay đổi so với nhiệm kỳ trước, nhưng cơ cấu có những bước tiến triển, đặc biệt là việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Ông có thể cho biết rõ hơn?
Ông Hầu A Lềnh: Đây là cơ sở quan trọng để tăng vai trò của các cơ quan lập pháp trong nhiệm kỳ tới. Để tăng được số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã có sự tính toán để giảm cơ cấu ở một số khối khác như khối hành pháp, chính phủ, các cơ quan tư pháp, khối Mặt trận Tổ quốc cũng giảm 2 đại biểu so với khóa XIV để dành số đại biểu này tăng cho đại biểu chuyên trách. Đây là việc cần thiết trong thời điểm này, trong nhiệm kỳ này và cũng rất phù hợp bởi các cơ quan hành pháp, các cơ quan chấp hành, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội không nhất thiết phải tham gia, có đại diện đầy đủ.
Sau hội nghị hiệp thương lần hai, tùy theo tình hình cụ thể, cơ quan đơn vị không thể giới thiệu được đại biểu thì có thể điều chỉnh tiếp từ cơ quan này sang cơ quan khác. Hoặc ở địa phương, cơ cấu kết hợp là đại biểu nữ hay dân tộc thiểu số, đại diện tôn giáo… không thể giới thiệu được người hay tìm không ra, người giới thiệu không đủ tiêu chuẩn thì sẽ điều chỉnh cơ cấu đó sang một cơ quan khác.
Không có chuyện đại biểu không đủ tiêu chuẩn được giới thiệu
PV: Về chất lượng và cơ cấu đại biểu, Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Theo ông phải làm thế nào để đạt được mục tiêu này?
Ông Hầu A Lềnh: Chỉ đạo của Bộ Chính trị là thông suốt, từ Đại hội Đảng tới bầu cử Quốc hội đã được quan tâm về cơ cấu, thành phần. Tuy nhiên, không phải vì điều đó mà hạ thấp chất lượng, cho nên vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng được đặt lên hàng đầu.
Lần này cũng định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, trên cơ sở tiêu chuẩn đó trong từng bước, từng hội nghị, các cơ quan đơn vị đều đã được hướng dẫn việc lựa chọn đại biểu đảm bảo tiêu chuẩn, không có chuyện đại biểu không đủ tiêu chuẩn được giới thiệu. Mặt trận Tổ quốc sẽ tiến hành giám sát quá trình giới thiệu đại biểu ở các cơ quan đơn vị, các địa phương.
Chúng tôi tin rằng các đại biểu được giới thiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Chính trị quy định thì chắc chắn chất lượng Quốc hội khóa XV sẽ được nâng lên.
PV: Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, cơ cấu đại biểu là người ngoài Đảng vào khoảng 5-10%. Vậy sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tỷ lệ này đã đạt chưa?
Ông Hầu A Lềnh: Cơ cấu thành phần đại biểu, các cơ cấu kết hợp đã được quy định rõ trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, trong đó một số cơ cấu quan trọng như đại biểu là người ngoài Đảng 5-10%. Như vậy, so với tổng số đại biểu được bầu ở Quốc hội lần này vào khoảng 25-50 đại biểu. Sau Hội nghị hiệp thương lần 1, các địa phương cũng đã tổng hợp và có giới thiệu người ngoài Đảng, đạt trên 7%, trong khung chỉ thị của Bộ Chính trị, tuy nhiên chưa đạt mức 10%.
Thời gian tới đây, trong quá trình giới thiệu và tổ chức hiệp thương, cũng như điều chỉnh lần hai, hy vọng tỷ lệ này sẽ được tăng lên; các cơ cấu kết hợp khác như đại biểu nữ, đại biểu trẻ, đại biểu người dân tộc thiểu số cũng sẽ được quan tâm. Qua giới thiệu vừa qua, cơ bản đã đáp ứng được tỷ lệ đề ra.
Không hạn chế quyền tự ứng cử của công dân
PV: Vậy cán bộ, công chức muốn tự ứng cử phải làm thế nào?
Ông Hầu A Lềnh: Quy trình dành cho người tự ứng cử dựa trên các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền ứng cử và đủ điều kiện ứng cử. Các đại biểu tự ứng cử gửi đơn tới Ủy ban bầu cử các cấp, trên cơ sở đó các Ủy ban bầu cử sẽ xem xét, thống nhất với Mặt trận Tổ quốc đưa ra các hội nghị hiệp thương để thỏa thuận, thống nhất. Bắt đầu từ hội nghị hiệp thương lần 2 trở đi, danh sách gồm những người được các cơ quan đơn vị giới thiệu và những người tự ứng cử. Cán bộ công nhân viên chức tự ứng cử phải được cơ quan đơn vị quản lý xác nhận đồng ý cho tự ứng cử thì mới nộp hồ sơ.
Việc thẩm định hồ sơ của người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với những đại biểu được cơ quan đơn vị giới thiệu ứng cử. Quy trình thẩm định như nhau: tiêu chuẩn có đủ không, lịch sử chính trị hiện nay, những vấn đề liên quan pháp luật, hay ý kiến phản ánh của nhân dân phải làm rõ, xác minh.
Việc kê khai tài sản đối với người tự ứng cử do người tự ứng cử kê khai và người dân sẽ giám sát qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Bởi tại hội nghị này, anh phải báo cáo lý lịch, hồ sơ, của đại biểu. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì hội nghị hiệp thương, báo cáo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, cơ cấu thành phần số lượng, danh sách những người ứng cử, tự ứng cử, hồ sơ của họ…phải báo cáo để cử tri biết, sau đó cho ý kiến đối với từng đại biểu. Sau hội nghị hiệp thương lần 2, những vấn đề cử tri phát biểu yêu cầu phải làm rõ thì đại biểu đó có trách nhiệm phải làm rõ những vấn đề cử tri yêu cầu.
PV: So với khóa trước, lần này những người tự ứng cử có được tạo điều kiện hơn không?
Ông Hầu A Lềnh: Tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ trước đến nay không có sự cản trở gì vì ứng cử là quyền của công dân. Thủ tục hồ sơ của người tự ứng cử với người được giới thiệu là như nhau, quy trình thẩm định như nhau; các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho người tự ứng cử. Khi cử tri có ý kiến, các cơ quan nhà nước nếu có liên quan, cũng phải nhận xét đầy đủ. Như vậy có thể nói, quyền tự ứng cử của công dân không bị hạn chế, bao kỳ nay vẫn thế.
PV: Với cơ cấu như hiện nay “ghế” dành cho người tự ứng cử có nhiều không?
Ông Hầu A Lềnh: Trong quy định là người ngoài Đảng, hay người tự ứng cử tỷ lệ là từ 5-10%, ngoài ra còn có các cơ cấu khác. Tính trên tổng số đại biểu được bầu là khoảng 25-50 người. Như vậy tối đa là 50 đại biểu. Hiện nay, sau hiệp thương lần thứ nhất, vẫn chưa đạt được tỷ lệ 10%, mới hơn 7%. Tuy nhiên kết quả này mới là điều chỉnh lần 1. Sau hiệp thương lần 2 có thể còn bổ sung, điều chỉnh tiếp, nhưng tỷ lệ phấn đấu là 5-10%. Như vậy “cửa” dành cho người tự ứng cử là thoải mái.
Hiện tại vẫn đang ở bước các cơ quan đơn vị giới thiệu, các đại biểu tự ứng cử cũng mới chỉ dự kiến làm hồ sơ, khi họ nộp mới chính xác là con số bao nhiêu. Hiện tại mới có dự kiến ở một số địa phương đã có đại biểu đến xin hồ sơ để khai chứ chưa nộp.
PV: Thực tế ở Quốc hội khóa trước có một số đại biểu vi phạm về quốc tịch. Lần này Mặt trận tham gia giám sát vấn đề này ra sao?
Ông Hầu A Lềnh: Trước hết đại biểu được giới thiệu phải theo đúng quy định của pháp luật, phải là công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam. Vấn đề này mặt trận sẽ tổ chức giám sát và đã thành lập các đoàn giám sát gồm có thành phần do Hội đồng Bầu cử quốc gia phân công và đoàn giám sát riêng của Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Sẽ tiến hành giám sát vào khoảng từ 5/3 (đợt 1), có nhiều nội dung giám sát, trong đó có giám sát về tiêu chuẩn của các đại biểu được giới thiệu, cả vấn đề hồ sơ, vấn đề quốc tịch. Vấn đề quốc tịch còn phải căn cứ vào Luật Cư trú. Vấn đề này mình sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc vì những vấn đề “vướng” ở Quốc hội khóa trước đều phải lưu ý ở khóa này.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Thanh Hà/VOV.VN