Hoàn thiện pháp luật là nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập mạnh mẽ sâu rộng, toàn diện với thế giới.
Thời gian qua, đặc biệt là kể từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, hệ thống pháp luật nước ta đã và đang được hoàn thiện một cách căn bản, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Tuy vậy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp tục được đặt ra nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia theo các chuẩn mực quốc tế.
Nhiều vướng mắc được tháo gỡ
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2021. Đây là các văn bản pháp luật quan trọng tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi trong môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.
Theo đánh giá tại Báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để thực thi các luật này Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh soạn thảo và ban hành các văn bản có tính chất thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh.
Cụ thể như Nghị định 122 của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ, kê khai một biểu mẫu, thực hiện tại một cơ quan và nhận một kết quả thống nhất, rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Hay sửa đổi Nghị định 139 quy định về lệ phí môn bài theo hướng bổ sung đối tượng được miễn lệ phí môn bài gồm các doanh nghiệp hộ kinh doanh mới thành lập.
Nhiều luật được Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng Chính phủ và Quốc hội có rất nhiều cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh liên quan đến thể chế, bằng chứng là có nhiều sửa đổi về các điều luật như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Đầu tư, tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp mong Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm vấn đề này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, việc cắt giảm nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hứa hẹn sự chuyển biến căn bản trong môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể như thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong công đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng được giản lược xuống mức báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ là nội dung được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao.
"Để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc là cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp, chúng tôi thấy trước đây yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, mà chúng ta biết rằng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án đang được nghiên cứu thì không thể có báo cáo chính thức về đánh giá tác động môi trường, muốn làm được báo cáo này vừa mất nhiều thời gian, tốn chi phí mà rất hình thức"- ông Châu cho biết.
Trọng trách của Quốc hội rất lớn
Trong những năm qua, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường - đây là những dấu ấn quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để đất nước vận hành tốt, trước hết cần có một nền tảng pháp luật hoàn chỉnh, khoa học phù hợp với thời đại và nền văn minh của thế giới, làm hành lang và điểm tựa pháp lý cho mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế.
"Trọng trách, vai trò của đại biểu Quốc hội rất lớn, phải làm sao đóng góp cùng Quốc hội trong thực hiện chức năng xây dựng luật, quyết định một cách đúng đắn nhất trong xây dựng pháp luật bằng hiểu biết và nghiên cứu của mình để các dự án luật, các nghị quyết của Quốc hội khi đi vào cuộc sống phải sát, đúng với thực tiễn" – nữ đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta đang đối mặt với bất cập. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng nếu chúng ta cải cách quyết liệt, tạo đột phá về sửa đổi văn bản pháp luật kinh doanh thì có thể đạt tăng trưởng kinh tế từ 8 đến 9 % mỗi năm.
Việc nước ta đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để những con số những cơ hội khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trở thành hiện thực thì quyết tâm cải cách hệ thống pháp luật để thực thi Hiệp định sao cho hiệu quả mang ý nghĩa quyết định.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có thay đổi nhiều và nhanh so với trước đây càng đòi hỏi việc hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn tới phải có cách tiếp cận mới, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh mới để có thể tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Theo đó cần đặt trọng tâm giải quyết điểm chồng chéo của các hệ thống pháp luật có liên quan và sửa đổi đồng bộ từ pháp luật đến nghị định, thông tư; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và cải thiện được môi trường kinh doanh, đầu tư của nước ta trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế cũng như mang lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là khơi dậy được nguồn vốn đầu tư còn rất lớn, kể cả khu vực tư khu vực công và nguồn đầu tư nước ngoài.
Việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hóa thể chế chính là động lực cho đất nước cất cánh cao hơn trong giai đoạn tới. Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chủ trương xây dựng thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đưa ra về ý nghĩa là một thể chế phục vụ cho mục tiêu phát triển bao trùm, vừa phản ánh nhu cầu phát triển khách quan của đất nước, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Quan điểm xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nêu trên cũng cho phép chúng ta nhìn lại tất cả trở lực về thể chế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa qua, cũng như nhìn lại những “điểm nghẽn” nhằm hoàn thiện cả hệ thống, gồm thể chế kinh tế, hành chính công, tài chính công, khai thông mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là trọng trách lớn của Quốc hội nhiệm kỳ tới./.
PV/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/hoan-thien-the-che-dong-luc-cho-dat-nuoc-cat-canh-840208.vov