Hai tuyến đường vành đai Vùng thủ đô Hà Nội hiện chậm tiến độ, không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch, trong khi nhu cầu khai thác rất lớn
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã họp với các tỉnh, thành phố để bàn về các phương án tháo gỡ vướng mắc cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 Vùng thủ đô Hà Nội.
Kết nối 9 tỉnh, thành phố
Vùng thủ đô Hà Nội gồm 9 tỉnh (Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc), quy hoạch có 2 tuyến đường vành đai vùng (Vành đai 4 và Vành đai 5).
Theo đánh giá của Bộ GTVT, tiến độ thực hiện đầu tư các đường vành đai liên vùng này đang bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch, trong khi nhu cầu khai thác rất lớn. Nguyên nhân là do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương thấp, trong khi tổng mức đầu tư dự án lớn, thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) không thực hiện được; các địa phương chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh, TP, chưa có điều kiện đầu tư giao thông kết nối vùng; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư...
Đường Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29-7-2011, đi qua TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, với chiều dài 98 km. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần nhưng chưa phê duyệt (53,52 km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19 km), tỉnh Bắc Ninh (21 km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.
Đường Vành đai 5 đi qua 8 tỉnh, TP (Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18-4-2014, chiều dài 331 km với mục tiêu hình thành vành đai giao thông liên kết các đô thị đối trọng của các địa phương liền kề thủ đô. Trên tuyến này, phần do Bộ GTVT đầu tư là các đoạn đi trùng quốc lộ, đường cao tốc (127,9 km), đã thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác 25 km; còn lại 102,9 km đi trùng quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 2 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 2 cao tốc) nhưng chưa được đầu tư theo quy mô quy hoạch 4 làn xe. Đối với phần do các địa phương đầu tư, đã và đang đầu tư 37 km gồm các tỉnh: Thái Bình 15 km, Hải Dương 9 km, Thái Nguyên 9,6 km, Vĩnh Phúc 3,4 km; còn lại 183,2 km chưa chuẩn bị đầu tư.
Nhiều chuyên gia nhận định nhu cầu đầu tư các đường vành đai vùng thủ đô hiện đã trở nên hết sức cấp bách. Khi hoàn thiện các vành đai, sẽ mở rộng tiềm năng phát triển đột phá về kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng, bảo đảm tính đồng bộ, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đô thị và hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông…
Hà Nội đang nỗ lực khép kín các tuyến đường vành đai để phát triển toàn diện
Muốn trung ương hỗ trợ
Để giải quyết các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao Ban Quản lý dự án 2 và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) làm việc với TP Hà Nội, rà soát lại quy hoạch đường Vành đai 4 trên địa bàn. Đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán lại quy mô đầu tư phù hợp từng khu vực có tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông với khu vực Hà Nội; nghiên cứu phương án xây dựng đường trên cao đáp ứng phát triển lâu dài. Đối với phương thức đầu tư, việc đầu tư xây dựng được phân thành nhiều giai đoạn.
Bộ GTVT cũng đưa ra 3 phương án với Vành đai 4, gồm: Đầu tư toàn tuyến theo quy hoạch; đầu tư quy mô đường cao tốc 4 làn xe và đầu tư quy mô đường cao tốc 4 làn xe hạn chế. Lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) nhận định phương án 1 là phương án tốt nhất, đạt được mục tiêu cuối cùng của quy hoạch.
Còn với đường Vành đai 5, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, TP có tuyến đường đi qua tổ chức rà soát quy hoạch nghiên cứu phương án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác. Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm cùng đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với các đơn vị chuyên ngành của địa phương giải quyết nếu có vướng mắc về quy hoạch.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết đối với đường Vành đai 4, sở bảo lưu quan điểm đầu tư toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực vùng thủ đô. Còn với đường Vành đai 5, đề nghị Bộ GTVT tổ chức thực hiện bằng nguồn ngân sách trung ương, nhằm bảo đảm khớp nối đồng bộ giữa các địa phương trên toàn tuyến.
Ngoài khó khăn về việc huy động nguồn vốn và một số khó khăn, vướng mắc khác, ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên, cũng đề nghị Bộ GTVT quan tâm, báo cáo Chính phủ xem xét bố trí kinh phí từ trung ương đầu tư hoàn thiện các đoạn tuyến Vành đai 5 đoạn qua địa phận tỉnh.
Từng bước khép kín các tuyến vành đai Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng trong năm 2021 và các năm tiếp theo, ngành giao thông Hà Nội cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngành giao thông Hà Nội tham mưu cho UBND TP kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án cấp thiết, từng bước khép kín các tuyến đường vành đai, cầu vượt sông, nâng tỉ lệ đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị lên mức 20%. |
Bài và ảnh: Bạch Huy Thanh/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/go-vuong-cho-vanh-dai-vung-thu-do-20210313211105887.htm