Việc triển khai Nghị quyết 120 được chỉ đạo một cách liên tục, hệ thống; được kiểm tra, đánh giá kết quả liên tục, sát sao và đề xuất những giải pháp cụ thể… nên chỉ trong thời gian ngắn đã làm cho ĐBSCL chuyển mình, thay đổi mạnh mẽ.
Đó là đánh giá về những kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi Khí hậu.
Cùng với các chuyên gia, các nhà khoa học có mặt tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức tại Cần Thơ ngày 13/3, GS.TS Mai Trọng Nhuận chia sẻ, Hội nghị lần này là cột mốc quan trọng nhằm đánh giá những việc đã làm được, đặc biệt là những kết quả nổi bật, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai Nghị quyết 120 trong thời gian tới.
Sức khỏe và hạnh phúc của người dân là kết quả quan trọng nhất
Phát triển bền vững ĐBSCL mang tính thịnh vượng, an toàn, ứng phó với BĐKH; phù hợp với quy luật, điều kiện và hệ sinh thái tự nhiên; phù hợp với văn hóa, xã hội, con người ĐBSCL... đã được tính đến đầy đủ trong Nghị quyết 120. Qua đó, thể hiện cách làm chiến lược, dựa vào khoa học, sâu hơn nữa là tư duy, tầm nhìn dài hạn, có tính đột phá.
Nghị quyết 120 có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể. Điều đó được thể hiện đầu tiên qua chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH cũng như liên kết vùng phù hợp với xu thế biến đổi toàn cầu và khu vực. Nghị quyết cũng thể hiện khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai là triết lý phát triển.
GS.TS. Mai Trọng Nhuận cũng đánh giá việc triển khai Nghị quyết 120 được chỉ đạo một cách liên tục, hệ thống, đồng thời cũng được kiểm tra, đánh giá kết quả liên tục và đề xuất những giải pháp cụ thể. Theo ông: “Ít có Nghị quyết nào làm được như Nghị quyết 120 khi sau mỗi 2 năm lại được đánh giá một lần, không chỉ quy tụ đông đảo các cấp lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia mà còn quy tụ đông đảo các tổ chức, đối tác quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong thời gian ngắn đã làm cho ĐBSCL chuyển mình, thay đổi mạnh mẽ từ quy hoạch, đầu tư, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, văn hóa, con người…”.
GS.TS. Mai Trọng Nhuận phân tích trong bối cảnh BĐKH, nước biển dâng cũng như việc sử dụng nước thượng nguồn sẽ khiến hệ sinh thái mặn lợ ngày càng tăng, còn hệ sinh thái nước ngọt từ phía tây xuống ngày càng giảm. Đó là quy luật mà xưa nay chúng ta chưa tính đến đầy đủ để thiết kế, xây dựng chủ trương, chính sách, quy hoạch cho phù hợp. Đó cũng là quy luật mà chúng ta có thể nhìn thấy trước, bởi BĐKH chưa dừng lại được vì cho đến khi giảm phát thải xuống bằng 0 thì đến năm 2050, BĐKH mới bắt đầu mới giảm tác động. Vì vậy, chúng ta cần chủ động thích ứng, ứng phó mới đạt hiệu quả, góp phần làm giảm tổn thất, chi phí.
Sự ra đời Nghị quyết 120 là minh chứng cụ thể cho việc chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với BĐKH, chủ động ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài, trong đó có cả dịch bệnh. Sự chủ động được thể hiện thông qua nhận thức, tư duy, đặc biệt là thông qua quy hoạch, kế hoạch và chiến lược để thích ứng.
GS.TS. Mai Trọng Nhuận nêu dẫn chứng cụ thể như khi dự báo hạn hán xảy ra mạnh vào năm sau thì chúng ta chủ động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thời vụ, sắp xếp tổ chức sản xuất phù hợp với quy luật của thời tiết, qua đó giảm hẳn tác động của thời tiết, của tự nhiên vào sản xuất. Còn dự báo được sạt lở thì chủ động quy hoạch lại dân cư, làm kè bờ chắn sóng sẽ không gây tổn thất.
“Chủ động là phải nắm được diễn biến thiên tai, tìm được quy luật phát triển của tự nhiên để xây dựng chiến lược, chính sách và hành động triển khai các chương trình, dự án cho phù hợp”, GS.TS. Mai Trọng Nhuận nói.
Nghị quyết 120 ngoài nhấn mạnh vào đầu vào như cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh… còn đặc biệt chú ý đến đầu ra cho sản xuất (thị trường). Trong đó chủ động dự báo phát triển thị trường, thị trường thế nào thì sản xuất đi theo như thế. Đầu ra thứ hai là hiệu quả kinh tế xã hội chứ không phải đơn thuần là sản lượng. Đầu ra thứ ba chính là sức khỏe, hạnh phúc của người dân. Đây là kết quả quan trọng nhất mà mọi chủ trương, chính sách hướng đến. Trong đó Nghị quyết 120 đặc biệt nhấn mạnh và được tính đến nhiều hơn trong tổ chức thực hiện cũng như được điều chỉnh trong các chương trình, kế hoạch cho phù hợp.
Kết nối cũng phải “thuận thiên”
Theo GS.TS. Mai Trọng Nhuận, để chủ động thích ứng với BĐKH thì phải coi khoa học, công nghệ là nguồn lực cực kỳ quan trọng. Thế giới chứng minh rằng ở những vùng càng khó khăn, càng khắc nghiệt thì càng phải ứng dụng khoa học kỹ thuật mạnh mẽ mới đạt hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Đây là yếu tố cần phải chú trọng nhiều không kém những nguồn lực khác như con người, tiền bạc.
Bên cạnh đó, việc kết nối thị trường, cơ sở hạ tầng… là yếu tố then chốt để bảo đảm cho đầu ra sản phẩm. Quan trọng kết nối đó phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, kết nối cũng phải “thuận thiên”. Kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan tỏa phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam với ĐBSCL. Từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông cho tới hàng không… đều được quan tâm đầu tư phát triển một cách hệ thống, tổng thể.
Nếu lấy tiêu chí đầu ra để đánh giá, thì từ thể chế, chính sách, kế hoạch, quy hoạch đều mang tính nền tảng, đồng bộ để thực hiện. Thứ hai là sự quan tâm và nhận thức tốt lên. Tư tưởng “thuận thiên” được thừa nhận, được vận dụng, đó là bước ngoặt cực kỳ quan trọng. “Thuận thiên” bắt đầu phát huy rất tốt và hiệu quả ngay lập tức từ hệ sinh thái rừng ngập mặn được bảo tồn và phát triển nhiều hơn; hiệu quả sản xuất tăng hơn; không phải tốn quá nhiều chi phí trong ngăn xâm nhập mặn. Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều cảm nhận được người nông dân với tâm thế chủ động, vui vẻ, không sợ hạn hán, chủ động thích ứng với BĐKH. Bởi trước kia chúng ta vẫn coi mặn lợ là “kẻ thù” thì nay được coi là tài nguyên. Sự thay đổi trong nhận thức là tiền đề cực kỳ quan trọng để đồng thuận trong xây dựng kế hoạch cho đến thực hiện kế hoạch.
“Nếu chúng ta quan niệm để phù hợp với diễn biến tự nhiên, chấp nhận hệ sinh thái nước ngọt ít đi, chúng ta dễ dàng chuyển đổi cơ cấu, phương thức sản xuất và đánh giá sản xuất. Mặc dù thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh vẫn diễn ra nhưng chúng ta vẫn giữ được tăng trưởng dương thì đó quả là nỗ lực phi thường của cả hệ thống chính trị. Qua đó cũng thấy rõ ràng nhất những tác động tích cực của Nghị quyết 120.
Theo GS.TS. Mai Trọng Nhuận, những nội dung và kết quả đã đạt được theo Nghị quyết 120 là điển hình, là hình mẫu cần được vận dụng cho phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khác, trong đó có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Diệp Anh/chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/It-co-Nghi-quyet-nao-lam-duoc-nhu-Nghi-quyet-120/425776.vgp