Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về báo cáo của Cổng TTĐT Chính phủ

Thứ 3, 23.03.2021 | 08:28:07
367 lượt xem

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về các ý kiến góp ý tại Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với một số cơ quan tổ chức.


Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với một số cơ quan tổ chức. - Ảnh: VGP

Theo đó, xét báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tại văn bản số 850/BC-TTĐT ngày 23/11/2020 về Hội thảo nói trên và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 750/BKHĐT-KCHTĐT ngày 9/2/2021, Thủ tướng có ý kiến như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện và sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/9/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm.

Việc này nhằm “phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, nâng cao tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng kinh tế - xã hội nói chung”, văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng nêu rõ.

Gần đây, tại cuộc làm việc ngày 20/3 với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và lãnh đạo một số bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo hàng loạt nội dung nhằm gỡ vướng cho Cái Mép – Thị Vải - cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước và hạ tầng giao thông vận tải Đông Nam Bộ nói chung. Cụ thể, nạo vét luồng cho tàu lớn; tổ chức các tuyến đường thủy nội địa kết nối, đặc biệt với ĐBSCL; sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai)- Vũng Tàu; nghiên cứu dự án đoạn đường sắt Biên Hòa – Cái Mép…

Cùng với đó, ưu tiên xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ; nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải; nghiên cứu thành lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép; sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại khu vực để giảm tỷ lệ hàng hóa tại Cái Mép phải di chuyển vào TPHCM làm thủ tục hải quan…

Một số giải pháp, kiến nghị đã được giao thực hiện

Trước đó, được sự đồng ý của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,  ngày 22/11/2020, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ”.

Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu là lãnh đạo, đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các hiệp hội, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp…

Kết thúc Hội thảo, đại diện Ban Tổ chức đã trao tận tay lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tập tài liệu tổng hợp, chọn lọc từ hàng trăm đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, bạn đọc, cùng công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM về vấn đề kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ.

Cùng với đó, ngay sau Hội thảo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các ý kiến đề xuất và giải pháp được nêu ra tại Hội thảo. Sau Báo cáo này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến đề xuất và giải pháp của các chuyên gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội thảo nói trên (ngoài các nội dung đã được Ban Tổ chức trao Bộ Giao thông vận tải), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 750/BKHĐT-KCHTĐT ngày 9/2/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại văn bản do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, một số giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia tại Hội thảo đã được Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan triển khai thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, trong đó có bến cảng nước sâu lớn nhất,
quy mô nhất cả nước, ngày 20/3/2021. - Ảnh: VGP

Cũng tại văn bản này, Bộ đã có ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, như với việc đề xuất thành lập quỹ đầu tư liên vùng; việc xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng, ban hành quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng; việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, việc hình thành quỹ đầu tư hạ tầng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc hình thành quỹ đầu tư cấp quốc gia cần được xem xét cụ thể bởi các dự án phát triển kết cấu hạ tầng liên vùng phải phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng quốc gia được quy định tại Phụ lục 1 của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. Thẩm quyền quản lý các dự án này do các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện.

Ngoài ra, cần nghiên cứu kỹ lưỡng cơ chế thu hút vốn của quỹ đầu tư (phương thức, đối tượng tham gia đầu tư...) để đảm bảo tính khả thi, huy động hiệu quả nguồn lực, đảm bảo hài hòa lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư.

Cũng theo Bộ này, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 749/QĐ TTg nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động của địa phương hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số tại địa phương. Do vậy, việc xây dựng, cập nhật và chia sẻ dữ liệu cho toàn vùng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số sẽ nâng cao khả năng điều hành vùng, phục vụ quản lý, hoạch định chính sách, hỗ trợ ra quyết định, hướng tới người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng “vùng Đông Nam Bộ số” góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ một cách bền vững…

Trên cơ sở các đề xuất, giải pháp của các chuyên gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số vấn đề, như giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Cơ quan có liên quan nghiên cứu việc thành lập Quỹ đầu tư hạ tầng liên vùng, trong đó đánh giá rõ thẩm quyền quản lý các dự án liên vùng thuộc quy hoạch vùng, cơ chế thu hút vốn của quỹ...


Hà Chính/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thu-tuong-co-y-kien-chi-dao-ve-bao-cao-cua-Cong-TTDT-Chinh-phu/426507.vgp

  • Từ khóa