Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh nêu quan điểm như vậy khi trả lời về lo ngại đưa con cháu vào danh sách ứng viên đại biểu Quốc hội chuyên trách của khóa mới.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh là một trong những người chủ trì cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV sáng nay, 23/3/2021.
Tại cuộc họp báo, một vấn đề được nêu ra là báo cáo tổng kết nhiệm kỳ này của Quốc hội có nêu hạn chế nhiều đại biểu đã không xứng đáng với sự tin cậy của cử tri, phải cho thôi làm nhiệm vụ. Quốc hội đã chủ trương tăng đại biểu chuyên trách, nhà chuyên gia khoa học khi bầu đại biểu nhiệm kỳ mới. Nhưng trong danh sách ứng viên khối Quốc hội, theo các ý kiến tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai vừa qua của UB Trung ương MTTQ Việt Nam thì không thấy nhiều trí thức, chuyên gia có tên tuổi mà còn có hiện tượng ưu tiên con cháu lãnh đạo, ứng viên không đủ tiêu chuẩn cũng được giới thiệu.
Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trả lời câu hỏi tại họp báo.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, mong muốn cử tri cả nước là làm sao Quốc hội khóa mới bầu ra được đại biểu xứng đáng.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu bày tỏ, điều đáng tiếc là một số đại biểu Quốc hội đương nhiệm đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. "Nhiệm kỳ này là một trong những nhiệm kỳ có nhiều đại biểu Quốc hội bị đưa ra xem xét; có những đại biểu giữ cương vị cao trong bộ máy nhà nước, kể cả Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương. Đó là điều đáng tiếc" - ông Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Công tác đại biểu cũng khẳng định, 494 đại biểu được bầu cho đến khi bước vào kỳ họp thứ nhất đều đủ điều kiện làm đại biểu Quốc hội. Nhưng trong quá trình triển khai nhiệm vụ đại biểu phát sinh những điều mà trong qua trình thẩm tra tư cách đại biểu chưa phát hiện được.
Về ý kiến cho rằng ứng cử viên khóa mới không huy động nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, ông Tuấn Anh cho biết, đại biểu Quốc hội chuyên trách có tiêu chuẩn riêng.
Vì vậy cơ quan tham mưu cũng đã đề xuất xem xét một số trường hợp chuyên gia, đặc biệt là một số đại biểu không còn tuổi tái cử nhưng đến giờ chưa có kết quả cụ thể.
Phó Trưởng ban Công tác đại biểu cũng bày tỏ mong muốn tiếp nhận ứng viên từ bên ngoài về làm đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, theo ông, số lượng đại biểu chuyên trách được định hướng tăng lên từ 35-40% nên hiện nay vẫn còn đang thiếu.
Về việc dư luận có cho rằng, quá trình giới thiệu ứng viên khối Quốc hội có chú ý con cháu, ông Tuấn Anh khẳng định không chú trọng đối tượng nào cụ thể, nếu có là con cháu cũng vẫn phải căn cứ theo tiêu chuẩn.
Ông Tuấn Anh cũng lưu ý, việc xem xét kiến nghị về ứng viên còn đến tận 10 ngày trước kỳ họp thứ nhất của khóa XV, sau khi hiệp thương lần 3 thì mới công bố danh sách chính thức. Quan trọng nhất là đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không vì cơ cấu mà làm giảm đi chất lượng của đại biểu Quốc hội.
Trao đổi thêm, Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, việc chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội chuyên trách phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung và riêng, phải từ vụ trưởng trở lên. Còn về chuyên gia thì tỷ lệ tương đối cao, nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ...
Thái Anh/dantri.com.vn