Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chia sẻ về một số thành tựu nổi bật của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021. Những dấu ấn thể hiện qua các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, người dân và doanh nghiệp đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, ngay khi bước vào đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp là quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.
Vì vậy, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đặc biệt chú trọng đề cao trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ, trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và thống nhất quan điểm không để trình trạng “bắn chỉ thiên” hoặc “trên bảo dưới không nghe”.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT).
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác là một mô hình thiết chế, chưa có tiền lệ trong công tác này, đây là sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Tổ công tác đã tham mưu có hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, nhất là đối với công tác hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng CPĐT, tạo đột phá trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, qua đó, đã tạo được những dấu ấn nổi bật cả về phương pháp, cách thức cũng như kết quả đạt được trong hoạt động của Tổ công tác.
Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế, thúc đẩy tăng trưởng
Điểm lại những thành tựu nổi bật nhất của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, đầu tiên, đó chính là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chính phủ đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật đồng bộ, thống nhất; tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế, khơi thông, tạo động lực cho phát triển; đồng thời, chỉ đạo đổi mới tư duy, quy trình xây dựng chính sách, pháp luật theo hướng 01 luật chỉ ban hành tối đa 02 nghị định; 01 nghị định ban hành 01 thông tư hướng dẫn; thực hiện ban hành 01 văn bản mới thì phải bỏ 01 văn bản cũ.
Chưa bao giờ tỷ lệ nợ đọng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật giảm sâu như giai đoạn 2016-2021, đặc biệt, năm 2017, Chính phủ không nợ đọng văn bản quy định chi tiết nào. Qua theo dõi của Văn phòng Chính phủ, đến ngày 21/3/2021, Chính phủ đã ban hành 760 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 238 quyết định quy phạm pháp luật.
Chính phủ điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 5,99% (thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới); riêng năm 2020, dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91% (mức tăng trưởng cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,2% (giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 7,65%). Lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân đạt 1,81% (giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,15%).
Cán cân thương mại hàng hóa luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm. Năm 2020, mặc dù nhiều thị trường xuất khẩu bị gián đoạn do dịch COVID-19 nhưng xuất siêu vẫn đạt cao nhất từ trước đến nay (20 tỷ USD). Việc giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, năm 2020 đạt 97,46% kế hoạch, đây là mức cao nhất đạt được trong giai đoạn 2016-2021. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,45%, vượt mục tiêu đề ra là không quá 3,99%.
Thứ ba, chủ động, quyết liệt, ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Năm 2020, trước tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã chủ động đánh giá đúng tình hình, coi phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp diễn biến dịch.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nước ta đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được các tổ chức quốc tế và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đã bước đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ với đối tượng ưu tiên phù hợp.
Đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng CPĐT.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng hướng tới “Chính phủ phi giấy tờ”.
Về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong giai đoạn vừa qua, công tác cải cách TTHC đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, đó là: Thể chế cho hoạt động cải cách, kiểm soát TTHC cơ bản được hoàn thiện, ngày càng thống nhất, đồng bộ; việc ban hành và giải quyết TTHC ngày càng thống nhất, đơn giản, minh bạch và thuận lợi hơn; việc giải quyết TTHC ngày càng chất lượng và hiệu quả hơn với việc xác định đúng mục tiêu là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; hàng nghìn TTHC, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa; 59/63 Trung tâm Phục vụ hành chính công đã được thành lập cùng với Bộ phận một cửa các cấp đã từng bước nâng cao chất phượng phục vụ nhân dân. Việc cắt giảm quy định không còn phù hợp và tổ chức triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về xây dựng CPĐT, hiện đại hóa nền hành chính, Văn phòng Chính phủ phát huy tính tiên phong, xây dựng và đưa vào vận hành 04 hệ thống thông tin nền tảng của CPĐT (Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương từ ngày 12/3/2019; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được vận hành từ ngày 24/6/2019; Cổng Dịch vụ công quốc gia vận hành chính thức từ ngày 09/12/2019; Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19/8/2020), đã tạo sự lan tỏa tích cực tới các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng CPĐT, góp phần thay đổi lề lối, phương thức làm việc thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, dựa trên dữ liệu số.
Tính chung, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ cải cách TTHC, triển khai CPCĐ là trên 16 nghìn tỷ đồng/năm (theo cách tính của OECD).
Thứ năm, Chính phủ chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, nông thôn mới theo hướng bền vững; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Ngành công nghiệp trở thành trụ cột của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa tăng cao, phát triển một số tập đoàn kinh tế có tiềm lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điển hình như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam lần đầu tiên khẳng định sự tự chủ trong đầu tư, sản xuất, làm chủ công nghệ (có thương hiệu ô tô Việt Nam).
Một số ngành dịch vụ phát triển mạnh mẽ về chất lượng, đa dạng về sản phẩm, điển hình như du lịch và logistics. Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Chính phủ tập trung chỉ đạo kích cầu du lịch nội địa, phát động Chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát; chỉ đạo xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế trực tuyến với thông điệp “Việt Nam điểm đến an toàn”…
Trong giai đoạn 2016-2020, hướng đi mới cho phát triển ngành nông nghiệp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tìm ra, quyết tâm khôi phục lại tốc độ tăng trưởng của ngành - khẳng định vai trò “trụ đỡ” trong nền kinh tế trong điều kiện khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước gần 2 năm; năm 2020 có trên 62% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%).
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã quán triệt chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”; đẩy mạnh trồng rừng và đã trồng được 1.134.000 ha, đạt 110,6% kế hoạch đề ra.
Thứ sáu, Chính phủ quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong nhiệm kỳ qua, ngành thanh tra đã triển khai 32.645 cuộc thanh tra hành chính và trên 1.127.790 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 417.490 tỷ đồng, 94.578 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi 235.522 tỷ đồng, 8.823 ha đất; xử lý khác hơn 181.968 tỷ đồng, 85.755 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 9.772 tập thể, cá nhân; số tiền xử vi phạm hành chính lên tới hơn 24.120 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 462 vụ, 671 đối tượng.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt và đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; số vụ việc khiếu nại, tố cáo và số đoàn đông người giảm; số vụ việc giải quyết theo thẩm quyền đạt tỷ lệ cao, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
Thứ bảy, chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác đối ngoại song phương được triển khai tích cực, chủ động. Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện được mở rộng có trọng tâm, trọng điểm. Đối ngoại đa phương được nâng tầm, từ chủ động tích cực tham gia sang từng bước đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư ngày 08/8/2018.
Tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng, nổi bật là việc tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018; đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; tổ chức thành công cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội và đặc biệt là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP).
Trong nhiều thành tựu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết điểm nhấn, ấn tượng sâu sắc nhất đó là sự đoàn kết, thống nhất giữa “nói” và “làm” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong các vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và đặc biệt là đi sâu chỉ đạo vào những trọng tâm, trọng điểm, những mũi nhọn trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào tháng 12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tại Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá, nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ là một nhiệm kỳ “rất thành công” vì trong hoàn cảnh, trong điều kiện có nhiều khó khăn, phức tạp nhưng Chính phủ đã vững vàng điều hành, quản lý để đạt được những kết quả rất có ý nghĩa.
“Thành công của nhiệm kỳ qua thể hiện ở những chỉ số kinh tế vĩ mô, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng… Chúng ta có sự đồng thuận của người dân trong thành công phòng chống COVID-19. Bạn bè quốc tế cũng đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất từ trước tới nay. Có thể nói đó là do có một chính sách cởi mở, một cơ chế minh bạch, có sự giám sát của người dân và doanh nghiệp với sự quyết tâm của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Hoàng Giang/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Chinh-phu-nhiem-ky-20162021-Nhung-dau-an-noi-bat/426542.vgp