Tại tỉnh Nghệ An, thời gian qua, người dân các huyện 30a dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động tìm tòi, tận dụng tiềm năng, lợi thế địa phương để làm kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền miệng ở các cấp cơ sở.
Mô hình trồng dâu tây trong nhà lưới cho thu nhập 300 triệu đến 400 triệu đồng/ha tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn.
Hiệu quả từ tuyên truyền miệng
Về thăm xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, xã 30a của tỉnh Nghệ An, đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nghe Chủ tịch UBND xã Lô Thị Trà Mi giới thiệu về những đổi thay ở bản Na Bè đã thôi thúc chúng tôi đến với điểm sáng này. Con đường đất cheo leo vào bản ngày nào nay đã được trải nhựa, xe đi êm ru. Những mái nhà sàn ngói đỏ, xanh ở quanh ngọn đồi nối với nhau bởi tuyến đường bê-tông uốn lượn. Môi trường vệ sinh trong bản gọn gàng, sạch sẽ, không lầy lội, rây rắc phân gia súc, gia cầm như trước kia. Bí thư Chi bộ bản Lô Văn Nghệ phấn khởi cho biết: Từ một bản toàn người Khơ Mú nghèo khó, với sự hỗ trợ tổng thể từ huyện đến xã, các ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhiều chương trình, dự án được lồng ghép thực hiện hiệu quả, giúp bản Na Bè xóa nhà tranh tre dột nát, làm đường bê-tông nội bản, vệ sinh môi trường…, xây dựng thành công bản đạt chuẩn NTM. Nhờ cán bộ xã "cắm bản" cùng ăn, cùng ở để trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền miệng, vận động, người dân ở đây phát triển kinh tế vườn, rừng, mở rộng chăn nuôi, từng bước thoát nghèo.
Với tiềm năng về đất đồi, bản Na Bè được xã chỉ đạo trồng sắn cao sản, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Ban đầu, người dân không muốn tham gia vì cho rằng trâu, bò ăn phải lá sắn sẽ bị chết. Ðể thay đổi nhận thức, cán bộ, đảng viên đến từng nhà, kiên trì nói chuyện, giải thích để người dân hiểu về trồng sắn và hiệu quả mà cây sắn đem lại. Thậm chí, cán bộ tuyên truyền còn cam kết với dân: Nếu trâu, bò ăn lá sắn mà chết, chúng tôi đền. 27 đảng viên trong chi bộ chia làm bốn nhóm, đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn để tuyên truyền, giúp đỡ. Trưởng bản Lữ Văn Quang không chỉ gương mẫu, tiên phong trồng hơn một héc-ta sắn mà còn thuyết phục, giúp đỡ tám hộ dân cùng tham gia. Kết quả, sau một vụ, có gia đình thu nhập được gần 15 triệu đồng. Ðể giúp người dân xóa nhà dột nát và phát triển các mô hình làm kinh tế, tất cả cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tương Dương vào bản, đến từng nhà, hướng dẫn thủ tục vay vốn làm nhà hoặc phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng sắn cao sản… Với cách làm bài bản, cán bộ, đảng viên bám sát người dân, tích cực tuyên truyền miệng, cầm tay chỉ việc, nên nhiều mô hình kinh tế vườn, rừng được xây dựng thành công tại bản Na Bè. Chỉ tính riêng trồng sắn cao sản, cả bản có hàng chục hộ tham gia, nhiều hộ có thu nhập từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/vụ. Từ thành công trồng sắn, xã Xá Lượng tiếp tục chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong bản "tỉ tê" vận động các hộ dân trồng rau xanh, phát triển đàn trâu, bò, vệ sinh môi trường… Dần dần, người dân biết cách làm kinh tế, bớt tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Nằm đan xen với bản Na Bè là bản người H’Mông Hợp Thành. Bí thư, Trưởng bản Vừ Bá Xia chia sẻ: Các cán bộ, đảng viên làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp người dân trong bản biết nuôi bò nhốt vỗ béo, trồng rau bán ra thị trường, trồng sắn cao sản… Có động lực nên người dân thi nhau làm kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Ðến nay, cả bản chỉ còn 7 trong số 83 hộ nghèo, cơ bản xóa xong nhà tranh tre dột nát; đa số thanh niên trong bản đi làm ở các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Chuyển biến nhận thức và hành động
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư Ðảng ủy xã Tam Quang, huyện Tương Dương, công tác tuyên truyền, vận động, nhất là tuyên truyền miệng, không chỉ giúp bà con các dân tộc thiểu số ở xã giảm dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà còn chủ động đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế và đã phát triển được hàng trăm mô hình trồng rừng, chăn nuôi, cho thu nhập khá. Ðến nay, toàn xã trồng được 1.700 ha cây keo và mét, phát triển đàn trâu, bò hơn 4.500 con. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 33 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,95%… Tam Quang là một trong những xã biên giới thuộc Chương trình 135 đầu tiên của tỉnh Nghệ An hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2017.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương, Lữ Văn May nhận định: Không chỉ các xã Xá Lượng, Tam Quang, mà toàn bộ địa phương trong huyện đều tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc thiểu số ở vùng "phên giậu", góp phần giữ yên biên giới. Qua nhiều năm triển khai, tuyên truyền miệng được xem là cách làm hay, hiệu quả cao đối với địa bàn vùng cao vì dân cư sống không tập trung, đời sống khó khăn, điều kiện tiếp cận thông tin hạn chế, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân. Ngoài việc đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến cơ sở tuyên truyền theo quy định, việc tổ chức tuyên truyền miệng được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp rất quan tâm. Cán bộ, đảng viên thực hiện mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên và liên tục. Thông qua tuyên truyền miệng, các báo cáo viên, cán bộ, đảng viên hiểu rõ tình hình cơ sở, tâm tư của người dân, từ đó có cách nói chuyện phù hợp, thuyết phục người dân chấp hành tốt chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện những mô hình làm kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tỉnh Nghệ An có ba huyện 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Ðây đều là các huyện rẻo cao biên giới, có hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cho nên công tác tuyên truyền, tuyên truyền miệng đều tập trung hướng đến các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ có uy tín để từ đó, tác động đến người dân, giải quyết tốt các vấn đề đặt ra. Hằng năm, các địa phương đều tổ chức gặp gỡ, tuyên dương những người có uy tín trong cộng đồng, coi họ là các tuyên truyền viên đặc biệt. Ðồng chí Lữ Quang Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Chi bộ đảng ở các địa phương chia thành các tổ, phân công đảng viên về chính dòng họ của mình để tuyên truyền, vận động người trong dòng họ phát triển kinh tế vườn, rừng. Rồi các dòng họ trong bản cùng thi đua phát triển các mô hình
sản xuất…
Cùng với vận động người dân, các tuyên truyền viên, cán bộ, đảng viên cấp cơ sở phải là những người đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế thì mới có tính thuyết phục. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quế Phong, Trần Quế cho biết: Thời gian qua, huyện Quế Phong làm tốt công tác bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu bản địa quý, trong đó có cây chè Hoa Vàng ở xã Châu Kim. Sở dĩ Châu Kim làm được việc này là nhờ Bí thư Ðảng ủy xã Hà Minh Tuấn tiên phong trong việc đưa giống chè Hoa Vàng từ rừng về nhân giống thành công trong vườn nhà. Từ thành công đó, đồng chí Tuấn nhiệt tình hướng dẫn cán bộ, đảng viên và người dân cùng làm theo. Hiện toàn xã đã nhân giống được 5 ha chè Hoa Vàng tại các vườn, trang trại và khoanh nuôi, bảo vệ hàng trăm héc-ta chè Hoa Vàng, Mú Từn, Sa Nhân, BoBo... Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòa khẳng định, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ban tuyên giáo sẽ cùng cán bộ, đảng viên trong huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng để đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống; đồng thời tập trung xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một số người dân cũng như một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hành động, tích cực phát triển kinh tế là mục tiêu chung của các huyện 30a và các huyện miền núi phía tây Nghệ An, nhằm ổn định đời sống của nhân dân và giữ yên biên giới ở vùng "phên giậu" của đất nước.
Thành Châu/nhandan.com.vn